Monday, December 26, 2022

71- A-Đề-Sa và Nhà Thông Dịch

 SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH

*


*

A-đề-sa và nhà thông dịch

    Khi vị đạo sư Ấn Độ A-đề-sa (34) đến Tây Tạng thì các nhà thông dịch giỏi nhất được cử đến làm việc. Theo lời phán truyền của vua Tây Tạng thì Rinchen Zangpo được nhận nhiệm vụ cao quý là dịch từng lời giác ngộ của A-đề-sa ra tiếng Tây Tạng và chú ý không để mất ý nghĩa của các lời dạy đó. Rinchen Zangpo là một Lạt-ma già, hơn A-đề-sa đến 24 tuổi và là nhà đạo sư thiền định cao nhất của Tây Tạng.

    Sau khi nghe quyết định đó, A-đề-sa quay người qua cụ già và nói một cách kính trọng: “Sau khi đã gặp ngài, tôi thấy thật ra chẳng cần mình phải đi Tây Tạng, vì duy nhất một vị đạo sư như ngài đã quá đủ”.

    Sau đó Rinchen Zangpo mời ngài tu sĩ Ấn Độ tới thăm đền của mình, đưa A-đề-sa đi ba tầng cùa đền trang hoàng mỹ thuật và cuối cùng đưa vào tâm đền, đó là nơi mà ngài mỗi ngày ba lần và mỗi đêm ba lần tập trung thiền quán lên các Man-đa-la mà ngài đã được ba vị thánh ban phép.

    Tại tâm đền, cả hai vị bàn bạc trao đổi về Pháp và kinh nghiệm tâm linhTu sĩ Tây Tạng xem ra là người đắc đạo, lại rất hùng biện và A-đề-sa đặt câu hỏi: “Theo ngài thì thế nào, Rinchen Zangpo, ta nên tu các giáo pháp theo thứ tự có trước có sau hay có thể hành trì song song một lúc?”

    “Theo thứ tự, có trước có sau”. Nghe câu trả lời này A-đề-sa không đồng ý, vị Phật sống nói một giọng như ra lệnh: “Tất cả các giáo pháp cần được hành trì cùng lúc. Tất cả các vị thánh đều hiện thân từ một gốc, và chỉ cần chứng ngộ các vị đó trong một khoảnh khắc duy nhất, tức thì. Như Dudjom Rinpoche (46) đã nói, hoàn toàn vô ích, nếu biết hàng ngàn sự việc và bỏ quên trong vài giây phút mà tất cả đều tụ hội và tất cả đều giải thoát”.

    Thấy vị tu sĩ Tây Tạng có vẻ chưa tin hẳn, A-đề-sa nói tiếp: “Bây giờ tôi đã biết vì sao phải đến Tây Tạng. Các bạn tôn kính các vị thần thánh bằng cách lập các trường phái khác nhau và bằng các giáo phái mang đầy tính hình thức”.

    Vị tu sĩ Tây Tạng cúi đầu lĩnh hội và nói: “Ngài hãy lấy hết những gì tôi có và hãy đưa tôi đi thẳng vào trung tâm điểm”.

    A-đề-sa từ chối, chỉ yêu cầu Rinchen Zangpo làm thông dịch cho ngài. Vị Lạt-ma lại cúi đầu sát đất và xin A-đề-sa chỉ cho thấy gốc của mọi phép tu hành. Đối với lời thỉnh cầu này thì A-đề-sa không thể từ chối. Dưới sự hướng dẫn của A-đề-sa, tu sĩ già đó tu hạnh thiền quán viễn ly, rồi tập thiền quán trong từng bước đi vì thiền quán đã trở thành tất nhiên trong cuộc sống. Mươi năm sau, người tu sĩ già đó chứng đạt được tự tại, không lệ thuộc vào bất cứ phương tiện nào cả.

    Trước khi chết, Rinchen Zangpo, người đã giác ngộ, tập hợp học trò lại và nói: “Tới lúc ta đã cao tuổi, ta còn phải học và tu tập phép tập trung. Sau khi gặp A-đề-sa, tâm ta mới được thư giãn ra trong phép thiền quán đích thực”.

  • Tác giả : Surya Das
  • Dịch giả : Nguyễn Tường Bách

Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a15207/su-tu-tuyet-bom-xanh-the-snow-lion-s-turquoise-mane-surya-das-nguyen-tuong-bach-dich

*

PHỤ CHÚ

(34) A-đề-sa (Atisha) 980-1055: Luận sư chuyên nghiên cứu các phương pháp chứng ngộ Bồ-đề tâm (Boddhicitta). Là tổ của dòng Maghada và thuyết sư tại Đại học Vikramashila. Ông được mời qua Tây Tạng và sống ở đó 12 năm cuối đời mình. Ông là người sáng lập trường phái Kadampa, gây ảnh hưởng lên Phật giáo Tây Tạng, nhất là dòng Tsongkhapa. Đệ tử quan trọng nhất của ông là Dromton. Thế kỷ X được xem là thời đại truyền pháp lần thứ hai từ Ấn Độ qua Tây Tạng, thông qua dòng vua miền Tây Tây Tạng. Lúc đầu nhà vua cử sứ giả qua Ấn Độ thỉnh kinh, thí dụ dịch giả Rinchen Sangpo. Về sau nhà vua mời hẳn luận sư Ấn Độ qua Tây Tạng, và đó là Atisha. Năm 1042 ông đến Tây Tạng, sống ở Netang và bắt đầu công cuộc giáo hóa. Trong tác phẩm Bodhipattapradhipa (Bồ-đề đạo đăng luận) ông trình bày toàn cảnh giáo pháp Đại thừa và chia hành giả theo ba căn cơ: loại người mong được tái sinh nơi tốt lành; loại người tu vì sự giác ngộ của chính mình (Tiểu thừa); và loại người tu vì sự giác ngộ của tất cả chúng sinh (Bồ-tát). Công trình chính của Atisha là xếp đặt thứ tự Kinh sách, không phổ biến bừa bãi. Ông là người đưa Tara trở thành một vị thần bảo hộ quan trọng của Tây Tạng. Trong các tác phẩm của mình, Atisha thống nhất hai trường phái chính của Bát-nhã Ba-la-mật: quan điểm tánh không của Long Thọ và tính bao trùm của tâm thức giác ngộ theo Vô Trước.

(46) Dudjom Rinpoche (Dudchom Rinpoche ) (1904-1987): Vị đạo sư cuối cùng của dòng Nyingmapa, từ trần tại Pháp. Ông là một trong những tu sĩ và thiền sư xuất sắc nhất của Tây Tạng trong thế kỷ XX. Ông được xem là một hiện thân của Liên Hoa Sinh và là người khám phá nhiều bí lục.

 *



*