Tuesday, December 20, 2022

65- Vị Toàn Năng Bất Tử

 SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH

*


Đức Phật (Hình > Internet)

*

Vị toàn năng bất tử


    Kangyur Rinpoche là một đại sư của phái Đại Thành, sinh tại Riwoschee, miền đông Tây Tạng, cuối thế kỷ 19. nhiều đại sư thời đó đã truyền cho ông nhiều tri kiến riêng. Suốt nhiều năm, ông thực hành thiền địnhviễn ly. Nhờ đó ông có thể tiếp nhận được nhiều giáo pháp của nhiều đạo sư vô hình. Sau khi tu học đựoc một loạt các giáo pháp đã thất truyền và tìm kiếm một số bí lục cất giấu trong vùng rừng núi Tây Tạng, ông được xem là người “tìm của báu”.Năm 1975 ông mất trong tu viện mà ông đã sáng lập tại Darjeeling.

    Trong thời niên thiếu, chàng Kangyur Rinpoche nghe các mẩu chuyện về một vị toàn năng (Shiddha), sống hoang dại trong rừng núi Tây Tạng và đã đắc đạo từ mấy năm trước, nhưng lại không rời bỏ thế giới và từ bỏ tấm thân tứ đại này. Người ta đồn rằng, vị đạo sư hoang dại đó được Yeshe Tsogyal (37) thân truyền cho kinh Bát-nhã ba-la-mật (38) cách đây mười một thế kỷ. Bà truyền cho vị này bằng cách đọc nhỏ vào tai, theo cách truyền giáo của thời đó, thầy đọc cho trò nghe khi tới thời. Yeshe Tsogyal lại là học trò nữ xuất sắc của Liên Hoa Sinh (12) và đựoc Liên Hoa Sinh đích thân truyền cho kinh Bát-nhã ba-la-mật.

    Kangyur nghe chuyện vị toàn năng hoang dại này một cách khâm phục, và ngược lại với nhiều ngưòi khác, chàng tin có thật. Chàng cùng với một người bạn thân, một Lạt-ma trẻ khác, tìm hiểu về vị toàn năng nọ, nhưng không ai trả lời rõ vị đó bây giờ bao nhiêu tuổi, sống ở đâu, có ai gặp chưa. Người ta chỉ biết, nếu có thật thì vị ấy tất già và lui tới đâu đó trên miền núi cao Đông Tây Tạng.

    Hai vị tin tưởng và quyết lên đường tìm vị toàn năng huyền bí nọ và sẽ xin ngài đích thân truyền cho bài kinh đó.

    Cả hai vừa tụng đọc vừa kéo nhau vào rừng, mang theo thực phẩm và y phục mùa đông cho nhiều tuần. Kangyur không có chút nghi ngờ gì mình sẽ đạt được mục đích, một mục đích mà kẻ minh triết nhất cũng không dám mơ tới.

    Suốt tuần, hai chàng đi hết vùng hoang dã của Hi-mã-lạp sơn và tập trung tâm trí lên vị tu sĩ toàn năng đó bằng phép thần giao cách cảm. Một ngày nọ, hai người thấy một đàn sơn dương chạy trên sườn núi không xa. Giữa đàn dê núi là một bóng, rõ là bóng người, da như da thú, bờm tóc dài như ngựa, chạy bằng bốn tay chân và biến mất theo đàn thú. Đó là một dáng người gớm ghiếc mà hai ngưòi đã từng thấy qua, có thể so sánh với các hung thần trong các bức tranh Thanka (39)Tây Tạng.

    Hai người thấy xong đều sợ hãipha lẫn với niềm tin tràn trề. Họ vội chạy theo đàn sơn dương, dọc trên các sườn núi, và vừa nhận ra rằng bóng người đó tách ra khỏi đàn thú và biến mất trong một khe đá.

    Lòng đầy kính trọng, hai người từ từ đến khe đá. “Chúng tôi tới để xin ngài truyền tri kiến”, họ gọi lớn. “Xin hãy cho thấy mặt và nhận chúng tôi làm đệ tử”.

    Sơn nhân đó không phản ứng gì, sau khi hai người khẩn cầu nhiều lần. Kangyur và bạn liền ngồi trước cửa hang và bắt đầu tụng niệm, đầu cúi lạy hang đá. Sau đó cũng không thấy động tĩnh gì, các vị đó bèn tụng Kinh tán thán, Kinh nào nhớ được là các vị đó cứ tụng và cuối cùng họ tụng bài tụng tán thán Kinh Bát-nhã ba-la-mậttán thán tính Khôngtán thán Chân như mênh mông tuyệt đối, nay diệu dụng và từ bi.

    Cuối cùng hai người cử hành nghi lễ Mật tông. Họ đọc danh hiệu chư Phật, chư Bồ-tát và các vị thánh ba đời và cầu mong các ngài chứng giám nghi lễThình lình, vị toàn năng đó chui ra khỏi hang đá, hầu như ngài cảm thấy khi mình đã nghe lời cầu xin thì mình cũng phải chứng giám.

    Sau một phút im lặng đầy kính sợ, vị Kangyur trẻ tuổi hỏi: “Ngài tên gì?”

    “Ngài tên gì”, sơn nhân đáp lại và đứng thẳng ngưòi lên.

    “Ngài bao nhiêu tuổi, bạch bậc Toàn năng?” “

    “Ngài bao nhiêu tuổi, bạch bậc Toàn năng?” người đó lại trả lời.

    Cuối cùng cả hai đều biết rằng con người trần truồng có cặp mắt giác ngộ của Phật đó chỉ biết lặp lại câu hỏi chứ không nói lời nào. Hai vị Lạt-ma đưa tặng người đó thứ nước “Chắt lọc chân như”, đó là một loại bia đựng trong cái sọ người, theo đúng truyền thống của Mật tông. Sau đó cả hai bỗng cất tiếng ca bày tỏ lòng thiết tha muốn học hỏi. Sơn nhân đó vừa nghe qua, bỗng cũng cất tiếng ca.

    Ngài ca rằng hơn mười năm qua chưa từng nói tiếng người; ngài cho biết trong mình chẳng mang tí tri kiến nào cả, vì thực tế chẳng có gì để trao truyền, từ ngài cũng không mà từ bất cứ người nào khác cũng không, không có gì để chứng đạt. Rồi thì bất ngờ thay – hai vị Lạt-ma tóc dựng đứng – người đó đọc kinh Bát-nhã ba-la-mật, đọc như một nguồn nước tuôn trào. Người đọc bất tận, khi lên khi xuống như một dòng sông uốn lượn, cho đến cuối cùng của bài kinh thần thánh.

    Rồi chợt tỉnh cơn mê, sơn nhân nhìn hai thính giả đang ngẩn ngơ, và ông đột nhiên mở mắt lớn, vùng chạy lên triền núi, đuổi theo đàn dê.

    Kangyur và người bạn trở về thế giới loài người và cố kể lại những gì mình nghe thấy. Hai vị cũng kể tên sơn nhân cho thế nhân biết: Samma Drubtschen. Ôi, ngày nay chỉ tên gọi Samma Drubtschen đã làm nhiều người tóc dựng đứng, rởn ra gà khi nghĩ về một điều tri kiến cổ xưa được nhắc lại. Người ta cho rằng, ngày nay Samma Drabtschen vẫn còn sống trong núi rừng Tây Tạng.

  • Tác giả : Surya Das
  • Dịch giả : Nguyễn Tường Bách

Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a15207/su-tu-tuyet-bom-xanh-the-snow-lion-s-turquoise-mane-surya-das-nguyen-tuong-bach-dich

*

PHỤ CHÚ:

(12) Liên Hoa Sinh: Padma Shambhava, sống cùng thời với vua Tây Tạng Trisong Detsen (755-797), là một nhân vật lịch sử, người sáng lập Phật giáo Tây Tạng. Ngài sáng lập Nyingmapa, được đệ tử gọi là đức Phật thứ hai. Ngài có nhiều thần thông nhiếp phục ma quái và thiên tai. Cách tu hành của ngài rất đa dạng, từ sử dụng phurbu đến tu tập các phép thiền định. Ngài thuộc dòng các vị đại sư Đại Toàn Năng (mahasiddha), để lại rất nhiều thần thoại. Ở vùng Himalaya, người ta gọi ngài là Guru Rinpoche (đạo sư quý báu). Tương truyền Liên Hoa Sinh được sinh ra tại Tây-bắc Kashmir, sớm thông làu mọi kinh sách, nhất là giáo pháp Mật tông (tantra). Vào thế kỷ VIII, ngài đến Tây Tạng, chống lại ma quỷ thiên tai và ảnh hưởng của giáo phái Bon. Ngài cho xây tu viện Samye năm 775 và thời gian hoạt động của ngài tại Tây Tạng xem như chấm dứt tại đó, nhưng có nhiều tài liệu cho rằng ngài ở Tây Tạng lâu hơn nhiều. Liên Hoa Sinh truyền giáo cho 25 đệ tử, trong đó có nhà vua Tây Tạng, quan trọng nhất là bí lục về “Tám tuyên giáo”. Ngoài ra ngài còn để lại nhiều kinh sách giấu trong rừng núi (terma) và chỉ được khám phá vào thời điểm nhất định. Học trò quan trọng và là người viết lại tiểu sử của ngài là bà Yeshe Tsogyal.

(37) Yeshe Tsogyal (757-817): Người phụ nữ nổi tiếng nhất của tông Nyingmapa Tây Tạng và là đệ tử xuất chúng của Liên Hoa Sinh. Bà thuộc vương tước Khacheng, năm 12 tuổi được vua Trisong Detsen cho vào cung. Tại đây bà gặp cao tăng Ấn Độ Shantirakshita. Sau đó bà được Liên Hoa Sinh chọn là bạn đồng tu, truyền cho phép phurbu. Bà là người ghi lại nhiều lời khai thị của Liên Hoa Sinh trong các bí lục terma và ghi lại đời ông. Khoảng cuối đời bà sống tại miền Đông Tây Tạng. Ngày nay người ta còn thờ cúng bà như một dakini. Theo một số truyền thuyết bà sống trên trăm tuổi.

(38) Bát-nhã Ba-la-mật Kinh (Prajna Paramita Sutra): Câu chuyện này có lẽ nói đến bộ Tâm Kinh chỉ dài hơn 200 chữ của Bát-nhã Ba-la-mật Kinh (“Kinh đưa người qua bờ kia”). Thật ra toàn bộ là một bộ Kinh gồm khoảng 40 Kinh Đại thừa được gọi chung là Bát-nhã. Kinh này là dạng Kinh Phương đẳng (Vaipulya Sutra) và có lẽ được ghi lại khoảng đầu dương lịch. Ngày nay phần lớn Kinh chỉ còn trong dạng chữ Hán hoặc Tây Tạng, không mấy còn trong dạng Sanskrit. Trong bộ này, Kinh Kim cương Bát-nhã Ba-la-mật-đa (Vajracchedika sutra) và Ma ha Bát-nhã Ba-la-mật đa Tâm kinh (Maha Prajna Paramita Hrdaya sutra) là nổi tiếng nhất và được dịch ra nhiều thứ tiếng, kể cả Anh và Pháp ngữ. Luận sư quan trọng nhất của Kinh Bát-nhã là Long Thọ.

(39) Thangka: Chỉ các tranh vẽ của Phật giáo Tây Tạng. Nội dung tranh thường là đồ hình mandala, các tiền kiếp đức Phật, vòng luân hồi, các vị thiện thần ác thần, các vị đạo sư. Tại Tây Tạng người ta tin rằng việc hoàn thành một thangka mang lại rất nhiều công đức tương tự như in Kinh sách.

*



*