Monday, December 5, 2022

50- Mộng và Thực

 SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH

*

*

Mộng và thực


    Trên sườn ngọn Everest, cao khoảng sáu ngàn mét so với mặt biển, tu viện Thubten Choling nằm cheo leo, xem như một tu viện Phật giáo nằm trên nóc nhà của thế giới. Viện trưởng là Trulshik Rinpoche, ngày nay là một vị Lạt-ma và đạo sư đã già của trường phái Nyingmapa (30). Người Tây Tạng tôn sùng ngài và xem ngài là một bậc giác ngộ, là người đã vượt qua mọi ảo giác. Đó là thứ ảo giác chồng chất nhiều tầng làm con người không tri kiến được tâm thức mình, làm con người không thể liễu ngộ chân như.

    Hàng chục năm trôi qua mà Trulshik Rinpoche hầu như không bao giờ rời khỏi tu viện. Thế nhưng năm 1991, ngài nhận lời cùng đi với Đạt-lai Lạt-ma thứ 14, vị đứng đầu Tây Tạng đến New York để nói chuyện tại Madison Square Garden và giảng giáo pháp về tự tính giác ngộ trong mỗi con người


    Trong những năm tu học, chàng thanh niên Trulshik luôn luôn nghĩ trong đầu mình sẽ đuợc gặp đạo sư Gyalwa Karmapa (31) để được học hỏi thêm. Gyalwa Karmapa thứ 16 là chưởng môn của trường phái Kagyu (32), là người nắm giữ một bí quyết lâu đờiBí quyết này dành cho các học trò đã chín muồi, chỉ cần một hành động thân khẩu nào đó là giải thoát cho học trò khỏi sai lầm tự tạo.

    Suốt năm này qua năm khác, chàng Trulshik chỉ mong tạo cơ hội để gặp Gyalwa Karmapa. Chàng lên đường đi từ Tibet qua Sikkim để gặp Karmapa tại đó nhưng sau thời gian khó nhọc đến nơi vị này đã đi Ấn Độ để dạy phép Mahakara bí truyền. Trulshik vội đi Ấn Độ nhưng Karmapa lại đi nước khác trước. Làm cách nào, Trulshik cũng không gặp được vị đạo sư này cả. 

    Chàng không còn cách nào khác hơn là tự mình tìm hiểu lý do sâu xa nào đã gây ra chuyện này.  “Phải chăng có năng lực xấu ác gì, xui ta phải xa thầy, để thử thách ta? Hay nội tâm ta còn che đậy, có một ác nghiệp hay một tri kiến sai lầm?” Chàng tự đặt cho mình những câu hỏi và sau đó thực hiện mọi phép như sám hốithiền quán hay nuôi dưỡng lòng từ bi.  Chàng thực hành bố thí, ra sức tu tập chính kiến, tụng đọc thần chú, giữ hạnh hiếu sinh và cứu độ chúng sinh

    Khi cầu nguyện chàng chỉ còn mong cầu được Gyalwa Karmapa điểm cho phép Mahakara trước khi ngài nhập diệt. Nhưng sau đó Gyalwa Karmapa mất năm 1981 mà Trulshik không hề được gặp. 

    Nghe tin đó, Lạt-ma Trulshik tuyệt vọng. Đó là nỗi thất vọng lớn nhất đời ông vì không còn ai giúp ông vào thánh đạo một cách nhanh chóng. Người ta kể rằng ông phải mất hàng năm mới chấp nhận được thực tế này, đời này ông không còn đạt được mục đích lớn nhất nữa. 

    Sau đó, trong một trạng thái vô sở cầu thì một phép lạ xảy ra cho Trulshik. Một đêm nọ, hoàn toàn bất ngờ, Gyalwa Karmapa đã chết lại hiện ra trong giấc mơ. Tâm trí của Trulshik lúc đó đã rỗng không thì hình ảnh đó hiện ra rực sáng và không thể nào quên. Ngày xưa lúc ông còn mong cầu tha thiết thì không được, bây giờ không còn mơ ước gì thì Gyelwa Karmapa lại đến: vị Phật sáng rực trong dạng Karmapa cho ông hay, sẵn sàng truyền cho ông phép Mahakara.     Trulshik hỏi câu hỏi đầu tiên; “Cái gì có thực, cái gì không có thực?”

    Đạo sư đáp: “Tất cả đều có thực tất cả đều không có thực. Đúng là một nghịch lý. Từ phương diện tuyệt đối thì tất cả mọi thứ nào được tạo thành, thứ đó có đặc tính, mọi thứ đó đều vô thường và không thực. Chỉ cái đó, cái tạo nên mọi thứ trong vũ trụ thì lại là thực, nhưng cái đó lại phi tính chất, phi hình thể, không ngăn ngại. Cũng chính vì thế mà cái đó lại hết sức diệu dụngtoàn năng. Từ phương diện tương đối mà nhìn thì mọi sự, dù nhỏ nhặt nhứt cũng xuất phát từ cái đó, từ cái duy nhất và không hề rời nó”. 

    Gyalwa Karmapa bắt đầu khai thị như thế. Khi tướng trạng của ngài hòa tan trong Không, nơi mà dạng đó xuất phát, thì Phật tính trong tâm của Trulshik thức tỉnhthức tỉnh từ một giấc mơ.

    Kể từ đó thì Lạt-ma Trulshik không thấy có sự khác nhau giữa giấc mơ ban đêm và giấc mơ ban ngày, thứ mơ mộng làm người ta tưởng rằng có một cái tôi riêng rẽ, hiện diện tách riêng khỏi một cái toàn thể. Tất cả những cái vô thường này chỉ nằm trong một giấc mơ lớn mà ngày nào đó mỗi chúng ta sẽ thức tỉnh cho dù con đường đến đó còn có khó nhọc bao nhiêu đi nữa.

  • Tác giả : Surya Das
  • Dịch giả : Nguyễn Tường Bách

Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a15207/su-tu-tuyet-bom-xanh-the-snow-lion-s-turquoise-mane-surya-das-nguyen-tuong-bach-dich 

*

PHỤ CHÚ

(30) Nyingmapa: Một trong những tông phái chính của Phật giáo Tây Tạng, tông này thống nhất truyền thống của Liên Hoa Sinh và của các cao tăng Vimalamitra, Vairochana từ Ấn Độ truyền qua vào thế kỷ VIII. Từ thế kỷ XV trở đi, giáo lý tông này được hệ thống hóa nhưng không được thu nhận vào Đại tạng (Kangyur/Tengyur). Giáo pháp này lấy Đại Thành làm cơ sở và dựa vào luận giải của Longchenpa. Nhóm Nyingmapa nguyên thủy gồm cả tăng và tục, và giữ được truyền thống qua thời kỳ Phật giáo bị Langdharma bức hại (836-842). Qua thế kỷ XI, phái này bắt đầu phát triển và trong nội bộ chia làm ba dòng chính: lịch sử, trực tiếp và huệ nhãn. Dòng lịch sử hay Kama (tuyên giáo) dựa trên hiển giáo pháp Phổ Hiền, trong đó có giáo pháp quan trọng của ba thừa chỉ có trong dòng Nyingmapa như Mahayoga, Anuyoga và Atiyoga. Dòng trực tiếp hay Terma dựa trên các bí lục do Padmashambhava truyền lại. Thí dụ Tử thư (Bardo Thodol) là một tác phẩm terma. Dòng huệ nhãn dựa trên tiếp xúc với báo thân của các vị đạo sư đã nhập diệt trong lúc nhập định, theo lời khai thị của các vị đó để tuyên giáo vào một số thời kỳ nhất định. Thí dụ Longchenpa được xem là trực tiếp nhận khai thị của Padmashambhava.

(31) Gyalwa Karmapa: vị tái sinh Karmapa thứ 16. Karmapa là tên một dòng cao tăng lãnh đạo phái Karma Kargyu và là dòng tái sinh Tulku lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng. Tương truyền rằng sự hiện diện của dòng cao tăng này đã được Phật Thích-ca và Liên Hoa Sinh tiên đoán. Tới nay đã có 16 lần tái sinh. Kể từ thê kỷ XV, mỗi vị được xác nhận tái sinh sẽ mang vương miện đen trong một buổi lễ. Vương miện này được xem là hiện thân của Quán Thế Âm.

Mục đích dòng này là giữ sự truyền thừa của Vajrayana.

 Danh sách các vị Karmapa: 

1/ Karmapa Dusum Khenpa. 

2/ Karmapa Karma Paksi. 

3/ Karmapa Rangchung Dorje. 

4/ Karmapa Rongpe Dorje. 

5/ Karmapa Deshin Sherpa. 

6/ Karmapa Tongwa Dolden. 

7/ Karmapa Chodrug Gyatso. 

8/ Karmapa Mikyo Dorje. 

9/ Karmapa Kwangchug Dorje. 

10/ Karmapa Choying Dorje. 

11/ Karmapa Yeshe Dorje. 

12/ Karmapa Chengchup Dorje. 

13/ Karmapa Dudul Dorje. 

14/ Karmapa Thegchog Dorje. 

15/ Karmapa Khachap Dorje. 

16/ Karmapa Rigpe Dorje.

(32) Kagyu, một trong bốn tông lớn của Phật giáo Tây Tạng, chủ trương thực hành Đại thủ ấn và Naro Chodruk. Vào thế kỷ XI, Marpa đưa giáo pháp này vào Tây Tạng, truyền cho Milarepa, rồi Gampopa, môn đệ của Milarepa. Từ tông này phát sinh ra Karma-Kagyu. Kagyupa rất chú trọng việc tâm truyền tâm. Giáo pháp này bắt nguồn từ đức Phổ Hiền, được xem là hóa thân của pháp thân (dharmakaya) và được Tilopa truyền cho Naropa. Marpa nhà dịch thuật mang qua Tây Tạng. Vào thế kỷ XII, Kagyu thu nhận thêm giáo pháp Kadampa và từ đó trở thành một tông lớn, lấy nơi sinh của người sáng lập là Dagpo Kagyu làm danh hiệu. Chỉ trong thế hệ sau, tông này phân thành bốn nhánh: 

1/ Khamsang hay là Karma-Kagyu. 

2/ Tsalpakargyu. 

3/ Baramkargyu. 

4/ Phagmodrukpakargyu. Nhóm cuối cùng chia thành tám bộ phái, trong đó Drukpakargyu và Trigungkargyu còn tồn tại đến nay.     Một tông phái có liên hệ với Kargyupa do Khyunpo Naljor thành lập. Tên phái này là Shangpakargyu và phái này có một hệ Đại thủ ấn riêng do em gái của Naropa là Niguma truyền lại đến ngày nay.

*

Nhạc Chú Đại Bi Tiếng Phạn

Source >> https://youtu.be/CYh-VBNMAU4



*