NHÂN NHỚ MỘT NĂM NGÀY MẤT
Của Nhà Thơ ĐẶNG TẤN TỚI
Nhà thơ Đặng Tấn Tới dự tính sẽ cho ra mắt cùng bằng hữu Thi tập
“Lửa và Hoa – Bên Bờ Năm Tháng 2000”., nhưng chưa kịp thì anh đã
đau bệnh một thời gian dài, rồi mất ngày 14 -12 – 2017 tại Sài Gòn.
Trong thi tập này có bài “Đọc lại và viết thêm”. xin
chia sẻ một đoạn ngắn: “… Bao năm rồi, bấy nhiêu tinh tú sáng soi những
trời thơ mới lạ, kỳ diệu thay sức – chứa – không – gì – cả ! ”.
Nhân Kỷ
niệm một năm ngày nhà thơ Đặng Tấn Tới qua đời ( 2017 – 2018), tôi mạo
muội ghi chép lại, gợi lại vài cảm nhận chân thành của bằng hữu gần xa đã viết
về thơ Đặng Tấn Tới mà may mắn tôi còn giữ được.
“…Thơ buồn hay thơ vui
giữa khoảnh khắc đất trời mà kẻ nhớ hạt – Bụi – Đường – Đi còn thơ thẩn bước.
“ … Giấy mực ơi, lá cỏ xa trời,
Một hôm nào ta hết thở chơi
Mùa thu thơ tràn theo gió nhớ,
Lang thang qua mặt đất không lời… ”
(Lửa và Hoa. Thơ Đặng Tấn
Tới)
(Tác giả tác phẩm – Người
đồng hành quanh tôi – Nhà xuất bản Thanh niên năm 2010 – Ngô Nguyên
Nghiễm).
Người thơ không diễn tả giải thích, mà nhìn ngay vào thực tế:
“Một hôm nào ta hết thở chơi”.
Người thơ vĩnh viễn theo
hạt – bụi – đường – đi tận nơi bờ bến xa xăm đã giáp một năm rồi! Một năm
với bao ngậm ngùi thương nhớ. Lật lại trang thơ xưa. Gợi nhớ lại những dòng
viết cũ của bằng hữu cảm nhận về thơ Đặng Tấn Tới, rồi cùng nhìn nhau trong ánh
mắt lệ nhòa:
“Trời phơi cổ độ
Rêu hoang đường khuya
Tìm nhau mắt úa
Những nẻo trăng bia ”.
(Tâm Thu Kinh – Thơ Đặng
Tấn Tới).
Cho nên, hình như thơ là
để phản ánh tâm hồn giữa thiên nhiên kỳ ảo, trong cõi vô thường này; giữa trời
thu vắng lặng hư không, thơ sẵn sàng rung lên linh cảm, không chút ngại ngùng
sinh – ly – tử – biệt:
“… Thôi rồi, không thấy chân thu đến
Tôi chết không mồ, khô tóc thu. ”
( Tâm Thu Kinh – Thơ Đặng
Tấn Tới ).
Mùa thu rồi cũng ra đi
biền biệt, giữa trời xanh thăm thẳm vô cùng; mây trắng rồi cũng trôi tận phương
xa mù mịt, thương cảm thay giọt sương còn rơi lạnh cả hư không:
“ Trời xanh, xanh thẳm nơi đâu
Hồn xanh, xanh bất tuyệt mầu thời gian
Nghìn năm mây trắng dư vang
Giọt sương thương cảm lạnh tròn hư không ”.
( Thi Thiên – Thơ Đặng
Tấn Tới ).
Rồi bất chợt:
“ Gọi thu một hú tan đò
Giang hà vọng tiêu liêu hò reo xanh ”.
(Thi Thiên – Thơ Đặng Tấn
Tới ).
Nhà thơ Thanh Thảo có lời
bình về một bài thơ khá tiêu biểu cho phong cách thơ của Đặng Tấn Tới:
“Người ta nói thơ Đặng Tấn Tới thuộc dòng thơ Thiền. Có thể vậy,
mà cũng không hẳn vậy. Thiền hay không chẳng ở cái cách thể hiện bài thơ, mà ở
tâm thế người làm thơ. Ở tâm thế ấy, thì Đặng Tấn Tới đúng là Thiền.
… Người ta có thể bày tỏ sự kính trọng với thơ bằng nhiều cách.
Nhưng Đặng thi sĩ bày tỏ một cách riêng của mình. Nó nhẹ nhàng tiêu sái… Bởi
thơ với anh là cái gì tuyệt đối, tuyệt đích, và luôn cách người làm thơ một
khoảng nào đó, có thể “gần gần” thôi, nhưng quả là khó để chụp bắt, càng khó để
sở hữu. Thơ Đặng Tấn Tới trong và lặng như chính đời anh.
( Theo TTO Nhà thơ Thanh Thảo ).
Thật vậy, thơ Đặng Tấn Tới quả là “khó để chụp bắt ”. Nên
nỗi vui hòa lại là nơi chốn quạnh hiu, sẵn lòng đắm say mãi mãi trong cõi tịch
nhiên:
“ Cát bụi vui hòa ấy
Cho ta tình đắm say
Còn đây lòng mở thấy
Trời xanh mây trắng bay ”.
( Trúc Biếc – thơ Đặng
Tấn Tới )
Nói rằng thơ Đặng Tấn Tới “khó để chụp bắt, càng khó để
sở hữu” làm tôi chợt nhớ, khi đề tựa vở mái Tây của Vương Thực Phủ, Lý
Trác Ngô đã nhận định về cái khéo, cái đẹp thật vô cùng thấm thía:
“ Trăm giống hoa, trời sinh nó, đất nuôi nó, người ta thấy nó
đem lòng yêu. Nhưng tìm xem cái khéo ở chỗ nào thì đố tìm ra được ”.
( Mái Tây – Vương Thực
Phủ ).
Phải chăng, cái đẹp cái
khéo được hòa điệu vào mọi cung bậc thời gian; chờ đợi ta sáng tạo nên khúc hát
mới mẻ, không bao giờ nhàm chán, như vầng dương bữa bữa rạng ngời:
“ Trời xanh chẳng trời xanh
Lòng không lòng đâu nữa
Nhưng mây nước vô tình
Rạng vầng dương từng bữa.”
( Trúc Biếc – Thơ Đặng
Tấn Tới ).
Bởi vậy, cho nên con chữ
và lời nói chỉ là chiếc cầu nối, để cho ta làm phương tiện chuyển bao vui buồn,
bao cát bụi tử sinh, bao nước mắt và nụ cười… đến với vô cùng ngọn suối thơ.
Nên thật cảm động khi nghe Ngô Nguyên Nghiễm đã nhận định thẳng về thơ Đặng Tấn
Tới rằng:
… “Thú thật, nhiều
đêm đọc lại thơ Đặng Tấn Tới, tôi như chìm trong sự liên tưởng chớp
nhoáng trên từng câu chữ. Thơ Đặng Tấn Tới phần đông thu gọn trong ý hơn lời.
Sự tuyệt diệu và vĩ đại của thi nhân là bất chợt khuấy động được tinh túy của
trời đất, nhập thẳng vào hồn người và chỉ cần bằng một vài câu thơ diễn đạt sâu
lắng, là tất cả khoảng không thời gian hiện hữu đều gom lại trong thần thái bài
thơ:
“ Thu già len cốt tủy
Cựa hạt máu bao trăng
Vắng cao đường ảo dị
Lồ lộ bụi trần lăn. ”
( Thu Tâm – Lửa và Hoa.
Tác – giả tác phẩm Người đồng hành quanh tôi – tập II. Nhà xuất bản Thanh niên
2010 – Ngô Nguyên Nghiễm ).
Mỗi khi có dịp nhắc đến
thơ Đặng Tấn Tới, những thi hữu quê nhà An Nhơn, Bình Định cũng đã có nhiều ghi
nhận đề cập đến.
Nhà thơ Võ Chân Cửu đã viết: “… Vào thập niên 70 ông
đứng ra thành lập Nhà xuất bản Vận Động ở Sài Gòn, cho trình làng thi tập
Tâm Thu Kinh, rồi xuất bản riêng một ấn phẩm mang tựa Tuyệt Huyết
Ca. Đây là một bài thơ dài đã tạo nên hiện tượng lạ trong làng thơ lúc này. ”
( Theo dấu nhà thơ – Nhà
xuất bản Hội Nhà Văn – 2015 – Võ Chân Cửa ).
Đúng như vậy, thi phẩm
Tuyệt Huyết Ca được ra mắt bạn đọc, đã tạo nên một hiện tượng lạ, mới mẻ, đầy
sáng tạo trong lòng thơ lúc bấy giờ (1972 ). Lúc đó, nhà văn Mang Viên Long
đang dạy học ở Tuy Hòa đã có cảm nhận về thi phẩm Tuyệt Huyết Ca thật sâu sắc,
ý tưởng rõ ràng trong sáng; xin trích một đoạn ngắn như sau:
“… Trăng cổ độ ố mầu tang hải
Trải thu phần quan tái vài bông
Nao nao gió giục sang hồng
Rụng bao nhiêu cánh giữa lồng nhân sinh…”
( Tuyệt Huyết Ca )
Tâm sự được giải bày mạch lạc trong một bố cục chặt chẽ,
tác giả đã “ Ta cũng sầu mở quá độ chơi ” phô diễn và liên kết từng dòng cảm
xúc, từng chặng thăng trầm, như một lan tràn tươi mát của suối nguồn. Ngoài một
lối sử dụng thể thơ song thất lục bát độc đáo, mới lạ, tuyệt vời nhất… Không có
một câu thơ nào trong 108 câu của “ Tuyệt Huyết Ca ”
tì vết, suy suyễn (mà bạn có biết là tại sao có 108 câu ? ). Tôi có thể ví như
một sâu chuỗi hạt, 108 hạt ngọc đều ngời sáng và quí giá như nhau.”
( Như Những Giọt Sương,
tập I – Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2012 – Mang Viên Long ).
Nhà thơ Hồ Ngạc Ngữ, sống
tha hương ngót 50 năm. Bất chợt nhớ đến thơ họ Đặng thi sĩ quê nhà, cũng đã cảm
nhận gọn gàng rằng:
“ … Ở Bình Định, thơ Đặng Tấn Tới đi từ cõi Thiên tiên
đến cõi An Lạc của Phật Giáo Đại Thừa. ” (Xu Nau.org – Lữ Vân).
Từ đó, tôi mạnh dạn ghi nhận: Thơ Đặng Tấn Tới lắng lòng nhập
vào dòng sống một cách an nhiên; “ Mây trôi lớp lớp vô thường – Trời
xanh còn lại con đường chim bay ” ( Tuyệt Huyết Ca ), tạo nên cái nhìn
mới mẻ cho thơ trong cõi vắng lặng hư không này.
Giờ đây, chỉ còn lại với
bao nỗi nhớ thương ngậm ngùi, nhưng ta không nhắc đến thì cũng dễ đi vào im
lặng, lãng quên. Như lời nhà thơ Chế Lan Viên khi giới thiệu tác phẩm thơ
Yến Lan đã nói:
“… Thơ là cái đẹp lặng im, đi lầm lũi trong im lặng. Nếu không
ai nhắc đến, chỉ ra, gọi tên, tán dương, ủng hộ thì nó bị vùi lấp đi, đầu là
trong im lặng, mà sau là trong lãng quên.”
( Thơ Yến Lan – Nhà xuất
bản văn học – 1987 ).
Để kết thúc bài tản mạn
đôi điều này, tôi xin ghi ra đây lời cảm tưởng của Bùi Giáng tiên sinh đã có
lần điểm qua thơ của Đặng Tấn Tới rằng:
“ Nguồn thơ ông rất đặc biệt. Đọc mấy thi phẩm ông, tôi còn giữ
lại một cảm tưởng hiu hắt…”
( Đi vào Cõi Thơ – Ca Dao
xuất bản 1969 – Bùi Giáng )
An Nhơn
– 2018
Nguồn: https://xunauvn.org/2018/11/29/coi-vang-lang-hu-khong-trong-tho-dang-tan-toi/#more-20861
*
doanthanhthuyqn@gmail.com