Đờn ca tài tử trở thành di sản nhân loại
Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đại diện của UNESCO được các báo Việt Nam dẫn lời sau lễ vinh danh nói tổ chức này "hy vọng Việt Nam sẽ có các biện pháp bảo vệ nhằm hỗ trợ cộng đồng trong việc trao truyền và phương pháp giảng dạy truyền miệng cũng như trong chương trình giáo dục chính thức".Quyết định trên được đưa ra tại phiên họp ngày 5/12 của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra ở Baku, Azerbaijan, từ ngày 2/12-7/12, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin.
Đờn ca tài tử của Việt Nam là một trong số 14 nét văn hóa từ các nước trên thế giới vừa được UNESCO bổ sung vào danh sách di sản phi vật thể của nhân loại.
Hồ sơ đờn ca tài tử Nam Bộ đã được phía Việt Nam tổng hợp hồi tháng 8 năm 2010 và sau đó trình lên UNESCO vào tháng 5 năm 2011.
Năm ngoái, đờn ca tài tử cũng được Bộ Văn hóa Việt Nam đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.
Di sản thứ 8
Xuất nguồn từ miền Nam Việt Nam từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, loại hình nghệ thuật này là di sản phi vật thể thứ 8 của Việt Nam được UNESCO vinh danh.
Những loại nhạc cụ thường sử dụng trong đờn ca tài tử thường bao gồm đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu, hay còn gọi là tử tuyệt.
Bảy di sản khác của Việt Nam cũng đã được công nhận:
- Nhã nhạc cung đình Huế - 2003
- Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên - 2005
- Dân ca quan họ Bắc Giang và Bắc Ninh - 2009
- Ca trù - 2009
- Lễ hội Thánh Gióng - 2010
- Hát xoan - 2011
- Lễ hội Hùng Vương - 2012
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện cũng có bảy di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới:
- Vịnh Hạ Long- 1994
- Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - 2003
- Quần thể di tích Cố đô Huế - 1993
- Phố Cổ Hội An - 1999
- Thánh địa Mỹ Sơn - 1999
- Khu di tích Hoành thành Thăng Long - 2010
- Thành nhà Hồ - 2011
Giáo sư âm nhạc Mỹ tri âm cùng đờn ca tài tử Nam bộ
SGTT.VN - Hơn bốn năm qua, chàng trai 28 tuổi Alexander M. Cannon (tên thân mật là Alex), giáo sư âm nhạc dân tộc tại đại học Montclair State, New Jersey, Mỹ, đã dành hết tâm sức, thời gian nghiên cứu về dân ca cổ truyền Việt Nam, đặc biệt là đờn ca tài tử.
Khi là sinh viên, Alex rất mê nhã nhạc cung đình Huế. “Nhưng đờn ca tài tử đã chọn tôi. Khi tôi học tiếng Việt tại Mỹ, cô giáo người Việt đã hát cho tôi nghe một điệu lý Nam bộ, tôi bị cuốn hút ngay từ đó”, Alex chia sẻ. Sau đó, Alex đã tìm đến những bậc thầy âm nhạc Việt Nam sống tại Mỹ để thọ giáo. GS.TS Nguyễn Thuyết Phong là người đầu tiên giúp đỡ Alex tìm hiểu âm nhạc cổ truyền Việt Nam và đờn ca tài tử Nam bộ.
Năm 2008, Alex đến đồng bằng sông Cửu Long, cái nôi của đờn ca tài tử để “sống với những câu ca, tiếng đờn miền sông nước”. Để hiểu thấu đáo môn nghệ thuật này, cùng vốn tiếng Việt khá tốt của mình, Alex thường lặn lội tìm đến và tham gia các buổi sinh hoạt của các câu lạc bộ dân ca, âm nhạc cổ truyền tại Sài Gòn, và về miền Tây để được sống trong cái không khí mà Alex cho đó mới là nơi cảm nhận được toàn bộ cái thần và bản chất của đờn ca tài tử. “Chính nơi đó, tôi được thưởng thức những lời ca tiếng đàn sống động, mọi người ca và đờn hết mình giống như đang tâm sự hết nỗi lòng. Người đờn và người ca có thể chưa biết rõ về nhau, nhưng chỉ sau một vài bài, họ đã giống như tri kỷ. Đây là một trong những điều ấn tượng nhất với tôi”, Alex tâm sự.
Alex còn học chơi đàn tranh, đàn kìm và đàn sến để hiểu rõ hơn âm vực của đờn ca tài tử. Quá trình này không chỉ giúp Alex hiểu các giai điệu mùi mẫn trong các bài ca, mà còn giúp anh có cơ hội cùng giáo sư Lê Đình Bích và nghệ nhân Trần Minh Đức tại Cần Thơ cải tiến đàn sến ba dây 14 phím từ phiên bản nguyên thuỷ đàn sến ba dây (12 phím), loại đàn được người Hoa mang theo khi ly hương đến Nam bộ và đàn sến hai dây (14 phím). Chiếc đàn sến ba dây này phát lên âm thanh trong như tiếng mandolin và nhấn nhá rất ngọt như tiếng đàn kìm khi đàn vọng cổ.
Alex có nhiều đề tài và bài viết về những vấn đề xung quanh đờn ca tài tử mà có lẽ nhiều người Việt Nam ít biết đến như lịch sử hình thành, quá trình phát triển, những thời kỳ hưng thịnh, lụi tàn và tái sinh; những ảnh hưởng tự nhiên, xã hội đối với đờn ca tài tử Nam bộ; cũng như việc bảo tồn âm nhạc dân tộc xuyên quốc gia của cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Là nhà nghiên cứu và một nhà giáo, tất cả những điều Alex tìm hiểu được sẽ trở thành chất liệu trong những bài giảng về âm nhạc dân tộc Việt Nam cho các sinh viên tại Mỹ.