Monday, November 29, 2010

MỘT VÀ MỘT NƯẢ QUẢNG NAM.

MỘT VÀ MỘT NƯẢ QUẢNG NAM
Tôi nhớ khi tôi mới lấy vợ được vài ngày thì có một bà bạn của vợ tôi tới thăm. Khi tiễn bà bạn ra khỏi nhà, hai người còn đứng nán lại nói chuyện dưới mái hiên. Tôi thoáng nghe được tiếng bà bạn nói: -Tao phục mầy sát đất, mầy can đảm thật! -Cái gì mà phục với không phục, can đảm với không can đảm, vợ tôi vừa cười vừa hỏi lại. -Bởi vì mầy đã ưng một ông chồng Quảng nam.
-Ưng ông Quảng nam thì đã ra làm sao? Bà vợ tôi hỏi lại? -Thì quanh năm suốt tháng mầy sẽ cãi lộn với ổng mỏi cả miệng. Quảng nam hay cãi, mầy có nhớ lời đó không? Tôi nghe tiềng cười nói, vui vẽ của hai người đàn bà, nên cũng không lấy gì làm phiền hà về lời nói đùa đó.Trời vẫn còn mát, nắng chưa lên tới ngọn ổi bên mái hiên nhà, căn nhà mái tôn vẫn chưa hâm hấp như buổi trưa, nên người tôi không nóng lên một chút nào bởi lời nói đó. Một người Bình định, ưng một người Bình định và một một người Bình định ưng một người Quảng nam có gì khác không? Tôi nghĩ khác nhau rất nhiều.Tôi có một ông anh cả, dĩ nhiên anh tôi là người Quảng nam, chị dâu tôi cũng dân xứ Quảng. Có một điều buồn cười là anh, chị tôi lúc nào cũng lo cho cái hạnh phúc của tôi hơn là cái hạnh phúc của ổng, bả. Tôi thấy anh, chị tôi cãi nhau những chuyện nhỏ xíu không hà, nhất là những lúc tôi chở hai ông bà trên xe sẽ thấy rõ ràng nhất: Hai ông bà cãi nhau chuyện lãng nhách. Nhiều khi tôi muốn nói thẳng cái hạnh phúc của anh, chị dễ vỡ lắm chẳng khác nào như cầm cái trứng gà vất lên trời rồi giang tay ra chụp. Cái hạnh phúc đó như chiếc lá mùa đông lúc nào cũng lắc lư theo từng cơn gío giật, bởi một điều dễ hiểu: Một ngươì Quảng nam ưng một người Quảng nam. Những năm đầu tiên tôi có nhiều trục trặc với vợ bởi không hiểu nàng, bởi nàng ít nói, bởi nàng hay giữ im lặng trước những phản ứng ồn ào, dữ dội của một ông chồng Quảng nam. Tôi thì không ưng cái gì thì nói, thấy cái gì sai thì cãi. Đôi khi những điều nàng nói đúng tôi cũng cãi vì muốn chọc tức nàng chơi. Nàng thì làm ngược những điều tôi làm. Đôi lúc nàng phớt lờ, lạnh lùng như một tảng băng. Sau vài năm, vợ tôi quay về, cô em vợ tôi đưa ra nhận xét: -Dạo này chị Hằng thay đổi nhiều quá! -Ý em thay đổi là thay đổi như thế nào? Ý em muốn nói vợ anh thay đổi vì có mang? Đó là lẽ đương nhiên, anh là người đàn ông khoẻ mạnh mà. Đáng lý vợ anh có mang sớm lắm, nhưng anh bận hành quân liên miên. Tôi cười hì hi với cô em vợ. -Không phải như vậy. Ý em muốn nói chị Hằng thay đổi về ngôn ngữ, trước đây chị ít nói và bây giờ, bây giờ… hàng xóm cũng biết chị nói nhiều. Cô em tôi không muốn nói hết lời vì sợ vợ tôi nghe, nhưng tôi thì hiểu.Tôi nói nhỏ vào tai cô em: -Vợ anh bị Quảng nam hóa rồi và tôi lại cười một cách hồn nhiên. Sau bao năm sống trong một gia đình Quảng nam, hằng ngày giao tiếp với các anh, chị, em của tôi, dầu muốn, dầu không, vợ tôi cũng phải thay đổi, nhất là về ngôn ngữ để thích ứng với “cộng đồng”mới .Vợ tôi dạo này dễ hiểu hơn ngày xưa. Cái gì không vừa ý, thì nàng nói toạt ra ngay, nàng hành xử như một người Quảng nam . Có lúc nàng im lặng chịu đựng, nàng trở về là người Bình định. Nàng thay đổi từ Quảng nam sang Bình định và từ Bình định sang Quảng nam một cách nhuần nhuyễn, như con cắc kè thay đổi màu da. Tôi rất hạnh phúc về sự thay đổi của vợ. Nhiều khi thấy vợ ít nói qúa, cứ tưởng vợ ốm nên la cà đến bên nàng gợi chuyện cho vui. Đột nhiên nàng hỏi: -Anh đã mua bao gạo chưa? -Anh đã mua gạo ngày hôm qua rồi. Dạo này em hay quên. Cách đây hai tuần em có mượn anh năm mười đồng, nhưng em cũng quên luôn, không thấy trả lại. -Vợ tôi nổi giận lôi đình. Ông là người chồng nhỏ mọn nhất trên cõi đời này! Vợ mượn có năm mười đồng mà cũng nhắc khéo. Ông tốt đâu với người ngòai đường ngoài sá, còn tôi, một xu cũng không đưa. “Một xu cũng không đưa”. Mặt tôi nóng bừng vì giận và coi đó như một lời đay nghiến của vợ mà mình phải khắc sâu trong lòng. -Ủa? Anh đưa em 5 trăm đồng lại thêm một xu nữa để làm gì? -Tại vì em hay nói với mọi người, anh chẳng bao giờ đưa em một xu, nên kể từ nay, mỗi lần đưa tiền cho em, bao giờ cũng có một xu đi theo. Nhưng cũng có lúc nàng Quảng nam hơn cái Quảng nam của tôi. Nhiều lúc giận qúa tôi hét lên vì thấy vợ cãi lại mình: -Tôi mới đích thực là ngừơi Bình định, Bà đích thực là người Quảng nam. Sao càng về già bà càng hay cãi với tôi, trước đây đâu có.Tôi Bình định, bà Quảng nam.-Ông ăn nói ngang ngược không hà.Tôi Bình định, ông Quảng nam ai cũng biết rõ.-Tôi có thể chứng minh tôi là người Bình định và bà là người Quảng nam.-Ông chứng minh thử coi, vợ tôi thách. Mà tôi chứng minh được. Tôi chạy vào cái bàn của tôi lục tìm hai cái thiệp mời dự tất niên, một cái của ông Hội trưởng hội Bình định và một cái của ông Hội trưởng hội Quảng nam chìa ra trước mặt vợ.-Bà thấy không? Trên cái thiệp của Bình định là tên tôi, còn trên cài thiệp Quảng nam là tên của bà. Hai cái giấy mời này là hai cái căn cước của tôi và của bà. (Có gì khó hiểu đâu, bởi vì vợ tôi chơi thân với những người trong hội Quảng Nam, còn tôi lại chơi thân với những người trong hội Binh định.) Tôi là ngừơi sinh đẻ ở Quảng nam, đựơc cha mẹ bồng bế vào Quy nhơn ở, nên lâu ngày không còn giữ tiếng Quảng đặc sệt, nhưng để nhận ra tôi là người Quảng cũng dễ thôi. Một buổi sáng vợ tôi hỏi: -Ông ăn cái gì nói tôi làm, bánh mì ốp la, mì gói hay phở bò viên? Thay vì trả lời nhanh gọn, tôi lại nói lòng vòng theo cái kiểu Quảng nam: Đêm qua tôi có làm gì đâu mà sáng nay bà mời tôi ăn đến 3 món? Bánh mì mua lâu rồi, nướng cách gì cũng cứng ngắt! Ăn với trứng dở lắm, còn mì gói thì ngày nào không ăn, tôi định nói … không ăn gì cả, nhưng tôi chưa nói hết câu thì vợ tôi đã nỗi giận đùng đùng:- Ông hành tôi vừa phải thôi! Ông nên trả lời đơn giản thôi, tôi không có thì giờ, ông tự làm lấy, tôi đi làm. Nói xong, vợ tôi ra xe giông mất. Rõ ràng là tôi có hành gì đâu, oan cho tôi. Tôi chỉ có cái tội thương vợ, không muốn vợ phải lo bửa ăn sáng cho mình trong lúc không có thì giờ. Tôi chỉ có cái tội là ăn nói dài dòng của một người Quảng Nam.
XXX
Cứ mỗi lần đi xe đò về Quảng nam, khi xe bắt đầu qua khỏi Quảng ngãi là tôi bắt đầu ôm bụng mà cười, cười nôn cã ruột, cười chảy nước mắt mỗi khi nghe tiếng rao hàng của người bán hàng :“ai en củ loang khôn? một ngoàn 3 củ, ai ăn bấp khôn? 3 ngoàn một trới ”. Tôi đã sống những ngày tháng thật dài lê thê ở Mỹ, mỗi khi nghĩ về Quy nhơn, nơi đó có ngừơi vợ đang sống và con đường trước nhà trong đêm khuya tĩnh mịch, nghe tiếng rao của cô bán hột vịt lộn người Quảng Nam, mà tưởng chừng như bán cái gì không phải vịt lộn: “Ai en hột dịt lôôồn không ? ” Khi mình bước vào nhà người ta, thì con chó của chủ nhà nhảy ra, giơ hai hàm răng nanh định đớp mình thì chủ nhà nói: “chó không răng mô.” Khi trai, gái lớn lên đến tuổi lấy vợ, lấy chồng thì cha, mẹ hỏi: “Tại sô mi ưng cái thèng đó? Tại sô mi ưng cái con đó? ” Trai và gái đều trả lời: “Con ưng cái anh đó vì anh đó hay làm cho con cười. Con ưng cái cô đó là vì cô đó hay làm cho con cười”. Bà mẹ suy nghĩ về cuộc đời của mình, mình ưng ba con Lẹ cũng vì cái miệng của ổng mở ra là mình cười. Bà ngoại con Lẹ cũng vậy thôi. Lấy nhau thật đơn giản, trên răng, dưới dế có gì đâu, chỉ có nụ cười. Người Quảng nam hiểu rõ giá trị của nụ cười, nên khi mở miệng ra nói là làm cho người khác lăn đùng ra cười. Tạo ra nụ cười là việc làm của người Quảng nam, tôi có thể khẳng định như vậy. Tôi nghĩ về những ngày tháng đầu tiên khi tôi quen với vợ. Tôi chả có gì cả, ngoài bộ đồ lính, đôi giày lính, cái mũ lính. Những cái tôi không có so với những chàng trai khác thì nhiều qúa, còn những cái có thì lính có cái gí mình có cái đó.Tôi không hiểu vợ tôi đã trả lời như thế nào với Má vợ tôi: -Tại sao con ưng thằng Luân? Có lẽ vợ tôi cũng trả lời như một người Quảng nam từ thế hệ này sang thế hệ khác, bởi vì không có cách nào trả lời khác hơn. -Con ưng anh Luân bởi vì ảnh hay làm con cười. Một nụ cười bằng ba thang thuốc bổ, thôi thì thôi : “chỉ là phù vân”, con mình ưng thằng này sẽ được khỏe mạnh, chẳng cần dùng đến thuốc thang gì cả, chỉ sợ cười qúa chết thôi. Hay Nàng đã chịu ưng mình vì một lời hứa?Tôi còn nhớ có một lần tôi đã hứa ẩu với nàng, khi thấy nàng đứng chải tóc trước gương: -Anh mà cưới được em, thì suốt ngày em không phải làm gì cả. Em chỉ ngồi dũa móng tay và chải tóc thôi. Bàn tay búp măng và mái tóc dài của em đẹp qúa! Ba mươi năm sau tôi vẫn giữ đúng lời hứa đó. Suốt ngày nàng cũng chỉ có một việc là dũa móng tay và chải tóc vì đó là nghề của nàng ở beauty salon. Còn vấn đề khắc khẩu với vợ, tôi không biết nữa. Một hôm tôi thấy vợ tôi ngồi soi gương, tôi mở miệng ra nói: -Tôi thấy bà cười trong gương. Tôi biết ý nghiã của nụ cười đó. Ông nói thử xem. -Bà đang nghĩ về qúa khứ, bà đang nghĩ về hiện tại, bà đang nghĩ về tương lai và bà thấy vô cùng hạnh phúc hơn những người bạn của bà vì bà đã có một người chồng là handy man (người sống bằng nghề tay chân) như tôi. Sở dĩ tôi nói như vậy là vì tôi vừa sửa cho nàng cài bếp điện, có 4 cái element, mà đã chết 2 cái lớn và ngày mai nàng lại nấu bún bò đãi bạn bè. Và tôi cũng vừa sửa cái garage door đóng, mở không được mấy ngày nay. Nếu kêu một ông thợ điện và một ông thợ garage tới thì ít ra hai ông thợ cũng charge nàng 4 trăm đô. Nhìn cái bản mặt tươi rói của vợ, tôi biết nàng rất ư là vừa lòng, nên tôi trêu nàng bằng cách nhái thơ người khác: “Nó chiếm hồn em bằng cái lò điện sửa lại,
Bằng cánh cửa garage èo ộp, mở không ra.”
Người ta lấy chồng Bác sỹ, kỹ sư ngồi đếm tiền mỏi tay mà ông chỉ là handy man tay làm, hàm nhai còn không đủ mà nói dốc tướng! Tôi thấy thật buồn và giận khi nghe nàng nói như vậy. Nàng đã khi dễ cái nghề handyman của tôi, nhờ nó mà tôi đã trả biết bao nhiêu cái bill trong nhà này, ngoài ra còn dư tiền để đi uống café với bạn bè. Tôi phải giữ đó và chờ ngày trả đũa. Rồi một ngày kia, nàng cũng ngồi chải tóc, soi gương, tôi cũng nói y như vậy, nhưng khác đi một chút: -Nhìn trong gương, tôi thấy bà buồn và tôi biết tại sao bà buồn. -Ông thử nói coi. -Bà đang nghĩ về qúa khứ, bà đang nghĩ về hiện tại, bà đang nghĩ về tương lai và so với những người bạn của bà, bà thấy thật buồn đã có một người chồng là handy man như tôi.-Bộ ông tưởng có chồng là bác sỹ, kỹ sư là sướng lắm hả? Khối thằng đi ở tù, khối thằng thất nghiệp! Tôi định nói móc một câu như người Quảng nam thường làm. Hôm trước bà khen bác sỹ, kỹ sư, chê handy man, bây giờ bà nói ngược lại là thế nào? Nhưng kịp thời tôi giữ im lặng (bỗng nhiên tôi trở thành người Bình định) vì tôi thấy nàng đang loai hoai rinh cả đống áo, quần của tôi đi giặt. Tôi yêu vợ tôi ở nhiều điểm mà cái điểm giặt đồ cho tôi là điểm nhất. Nói tầm bậy có ngày nàng nỗi giận phán cho một câu: “Từ nay tôi không giặt đồ cho ông nữa”, thì đời mình sẽ vất vả trăm bề. Nằm dài trên cái giường vừa xem TV vừa nhìn vợ xép áo quần. Nàng ngồi bệt trên hai ống quyển, vừa đưa hai tay vuốt duỗi áo, quần lia lịa, vừa phàn nàn nhỏ trong họng đủ để tôi nghe: -Ông mặc underwear (quần lót) chỉ có dơ chớ không có rách. Tôi không biết cái nào của ông, cái nào của mấy thằng con. Còn tất thi đủ màu sắt, đủ cỡ. Tôi cứ tưởng mỗi lần nàng nói như vậy thì nàng vứt đi, nhưng nàng lại cẩn thận xếp lại, để lần tới phàn nàn tiếp. Tôi nằm trên giường muốn cười chết đi được nhưng chỉ cố cười nho nhỏ thôi, nàng tò mò hỏi: -Ông cười cái gì? -Thay vì trả lời nàng, tôi lại nói: -Để tôi lựa cho. Tôi lựa cái underware nào dơ, tôi để riêng ra một đống, cái nào rách tôi để riêng ra đống khác. -Tại sao ông biết? Thật ra có gì khó đâu. Sự khác biệt giữa người gìa và người trẻ là người gìa mặc underwear chỉ có dơ mà không có rách, và người trẻ mặc underwear chỉ có rách mà không có dơ. Tôi định nói với nàng như vậy, nhưng sợ nàng kết tội mình ăn nói “bựa”nên làm thinh.
XXX
“Anh Luân ơi. Anh lái xe về nhà làm gì mà như ma đuổi.Vợ già rồi chớ còn son trẻ gì đâu.”Tôi trả lời người bạn gái cùng làm technician trong hãng: “Tui cần lái xe về nhà để cãi cho xong một vấn đề với vợ mà mấy ngày hôm nay cãi chưa xong”. “Lại cái chuyện mì Quảng chớ gì?” “ Sao bà biết ?” Tôi nhớ có một lần tôi cãi vợ ôm sồm trong bữa ăn, trứơc sự ngơ ngác của mấy thằng con. Bữa đó nàng nấu mì Quảng. Tôi là người Quảng nam, tôi biết mì Quảng như thế nào. -Con tôm bà làm không phải con tôm mì Quảng, thịt ba chỉ này không phải thịt ba chỉ mì Quảng, cái màu vàng này không phải màu vàng của mì Quảng. Mì Quảng gì mà không có bắp chuối? Tôi chê nhiều qúa làm vợ tôi nổi giận, to tiếng cự lại: - En không en, đổ chóa en, con chóa lớn kén con chóa nhỏ nhen ren. Nàng bắc chước giọng Quảng đặc sệt. Ông không ăn thì thôi, đừng có chê bai. Tôi nấu mì Quảng theo kiểu Bình định ngon hơn theo kiểu mì Quảng của người Quảng. Cũng như tôi nấu bún bò Huế theo kiểu Bình định ngon hơn bún bò Huế của người Huế nấu. (Nói theo kiểu này, vợ tôi quả là người Quảng thứ thiệt, hồi nào tôi không hay). Trong lúc gia đình vui vẻ trở lại, vợ tôi nói bông đùa. Ông xem mấy thằng con của ông một nửa Bình định, một nửa Quảng nam, tính tình tụi nó đằm thắm, không cãi chày, cãi cối như ông, nhiều lúc tôi phát khùng luôn. Sau cùng tôi cũng tìm ra được cái bí quyết sống hạnh phúc với vợ. Bạn hỏi tôi cái bí quyết đó như thế nào? Xin trả lời. Đừng bao giờ cãi với vợ. Nếu nín thinh không được thì hãy cãi với vợ trong lúc vợ ngũ. Tôi không nói đùa đâu.Tôi đã đem ra thực hành cái bí quyết này nhiều lần rồi và lần nào cũng thành công. Một hôm tôi đứng bên giường làm bộ như đang cãi với vợ, trong lúc vợ đang nằm ngủ miên man. Tôi bảo với bà người đàn ông Quảng nam ít cãi với vợ hơn người đàn ông Bình định là đúng.“Có chắc không đó, xạo hoài”. Tôi đang tưởng tượng đang cãi với vợ thì tôi thấy vợ đang nằm ngũ với ống quần cao, ống quần thấp thì tôi hết giận, hết cãi. Có khi tôi thấy vợ nằm úp cái mặt vô tường và xoay cái mông tròn trịa ra ngoài thì tôi cũng hết cãi. Có khi tôi thấy vợ nằm ngửa tôi cũng hết giận. Có khi tôi thấy vợ nằm co ro như con cuốn chiếu trông thật tội nghiệp thì tôi cũng hết cãi. Tôi thấy không có lý do gì để cãi với vợ. Vợ tôi thức dậy, tôi xã lã đến với nàng: “ Mấy ngày nay anh muốn xin lỗi em, anh hứa không cãi với em nữa.”.“Lổi phải gì anh, chuyện nhỏ mà, sợ tối nay anh không đủ sức để cãi.”(Tôi quên nhắc bạn, người đàn bà Bình Định lúc nào thấy cũng ống quần cao, ống quần thấp vì họ là con nhà võ, nên coi chừng!).
TRƯỜNG AN