Friday, January 6, 2023

82- Tu Sĩ và Người Tuyết

 SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH

*

Phật Quan Âm (Hình > Internet)
*

 Tu sĩ và người tuyết

    Tương truyền rằng có một loại người tuyết (yeti) ở vùng Hy-mã-lạp sơn. Đến năm 1958, tại Nepal vẫn còn một đạo luật bảo vệ người tuyết, xem như bảo vệ thiên nhiên. Dưới chân đỉnh Everest, tại tu viện Tangboschee Bazaar, người ta còn trưng bày một bộ xương người tuyết. Ngoài ra còn có nhiều hình ảnh về dấu chân trong tuyết của một loại người cao lớn, thân đầy lông, trốn mình trong các núi tuyết. Gần đây, nhà leo núi người Đức nổi tiếng Reinhold Messner cho hay trong chuyến đi vượt Everest đã chứng kiến hiện tượng yeti.Người ta cũng từng thấy loại dã nhân giống người này ở các vùng hoang dã tại Canada hay vùng đầm lầy Everglades ở Mỹ, thậm chí chụp được hình hay quay phim. Nhiều người tranh cãi cho rằng hình ảnh đó chỉ là giả mạo, thế nhưng từ hàng trăm năm nay, các bộ lạc da đỏ Canada gọi yeti của họ là “sasquatsch” và tại vùng Everglades, tên hắn là “big foot”.

    Ngày xưa có hai vị tu sĩ Tây Tạng đi về miền Nam. Họ đi tìm một vùng đất hứa tên là Pema Ko, vùng này nghe nói nằm trong rừng rậm và chỉ chứa những con người có một trái tim thanh tịnh. Giữa biên giới Tây Tạng và Assam, thì cả hai tới một ngưỡng cửa vô hình, chỉ có vị tu sĩ già mới bước qua được ngưỡng cửa này, ông là người đã chín muồi qua bao năm tháng tu học, và được vào thánh địa Pema Ko.

    Tu sĩ còn lại vừa mừng cho bạn mình, cũng vừa buồn cho mình, phải tiếp tục cô đơn trên đường mà không còn ai để chia sẻ ước mơ và suy nghĩ thầm kín. Sau đó ông đến một vùng rừng núi với một vẻ đẹp hoàn toàn hoang dã. Vừa đến, bỗng một cơn phong thấp hoành hành, ông đau đớn, hầu như không nhúc nhích được. May thay vài con dê núi gần đó bỗng nhiên theo ông như thú vật trong nhà và thế là ông có sữa dê để uống.

    Người tu sĩ kiếm được một chỗ giữa các cành cây và sống độc cư với vài con dê núi. Xung quanh không hề có bóng người, nhưng thỉnh thoảng ông thấy có một bóng người khổng lồ đầy lông lá, mỗi ngày ra khỏi rừng, đi từng bước nặng nề xuống sông uống nước.

    Cứ thế nhiều tuần trôi qua, tất cả đều chìm trong sự an tĩnh của rừng núi. Ngày nọ người tu sĩ chợt nhớ đã vài ngày người khổng lồ đó không ra sông uống nước. Mặc dù trong lòng có chút lo ngại, ông vẫn nghĩ hãy tìm người đó xem sao, coi họ có cần mình giúp gì không.

    Ông có cảm giác mình bớt bệnh và đi lại được trong rừng già. Vừa đi một đoạn, ông khám phá ra một cái lều xiêu vẹo, chắc của một vị sống độc cư nào đó từ nhiều năm trước. Ông cẩn thận đến lều và thấy hai ống chân đầy lông thò ra khỏi lều. 

    Vị tu sĩ giật mình sợ hãi, vì đó rõ ràng là một “migou” (người Tây Tạng gọi người tuyết yeti như thế) hai mắt nhắm nghiền, miệng mở lòi hai răng cửa dài. Migou rõ rệt đang lên cơn sốt, thở nặng nề, không ngồi dậy nổi khi có người lạ đi vào.

    Người tu sĩ cẩn thận đi vào và nhận ra gót chân của người khổng lồ này đang sưng lên, đầy mủ. Một cái gai thò ra khỏi vết thương, đủ dài để một người có thể rút ra, nhưng liệu có ai đủ can đảm để làm chuyện đó không. 

    Người tu sĩ ngẩm nghĩ “Tên migou này có thể nhỏm dậy bất cứ lúc nào và đập ta chết ngay, nhưng không thể để cho hắn nằm hoài như thế mà không giúp nó được.”

    Trong lúc người tu sĩ cẩn thận kéo gai ra thì yeti nằm dài yên lặng như một con bệnh ngoan ngoãnxem ra hắn biết có một người đang săn sóc mình. Người tu sĩ xé áo và lau khô vết thương, sau đó dùng nước miếng của chính mình rửa sạch vết thương, băng lại bằng chính áo của mình. 

    Ông đi rón rén ra khỏi lều, xuống sông múc nước đem lên cho migou. Vài ngày sau, ông thấy hắn bắt đầu đi cà nhắc xuống sông và từ từ biến mất vào rừng. Sau một thời gian thì tình trạng người tuyết tốt hẳn lên và lạ lùng thay, bệnh phong thấp của người tu sĩ cũng giảm nhanh. Một ngày nọ ông khỏi bệnh hoàn toàn và cũng từ ngày đó, ông không thấy người tuyết xuống sông uống nước, và đoán rằng hắn đã rút vào một nơi hoang vu khác.

    Thời gian trôi qua, và người tu sĩ bị bất ngờ trong một lần đi hái dâu. Lần đó, người tuyết nó bỗng từ thân cây nhảy xuống bên cạnh tu sĩ, giơ cánh tay lông lá khổng lồ lên cao, mặt nhăn lại và nhảy một cái đã biến mất sau bụi rậm. Vài ngày sau, người tuyết lại xuất hiện, lần này hắn cõng một con hổ đã chết. Hắn ném con hổ vào chân tu sĩ rồi biến mất. 

    Tu sĩ không ăn miếng thịt hổ nào, ông mang thịt vào lều lại, cho người bạn hoang dã đó. Nhưng ông lột và giữ da hổ cho đến ngày hết sống độc cưtrở về lại tu viện Schechen miền Bắc Tây Tạng.

    Trong tu viện Schechen, miếng da hổ được dâng lên như món cúng dường đặc biệt và dấu hiệu của lòng từ bi. Kể từ đó, miếng da này được sử dụng trong các buổi lễ mật tông. Miếng da vẫn còn đến ngày nay.

  • Tác giả : Surya Das
  • Dịch giả : Nguyễn Tường Bách

Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a15207/su-tu-tuyet-bom-xanh-the-snow-lion-s-turquoise-mane-surya-das-nguyen-tuong-bach-dich

*

CÚNG RẰM THÁNG CHẠP



*

Nhạc Chú Đại Bi Tiếng Phạn

Source >> https://youtu.be/CYh-VBNMAU4



*