SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH
*
*
Chiếc cầu ngũ sắc
Gotsangpa sống vào thế kỷ thứ 8, là một đạo sư của phái Drukpa-Kagyu, một phái dòng truyền tâm Tây Tạng. Người ta kể rằng, ông giữ tâm kiên định đến nỗi có thể sống hàng ngàn năm trong một hang động giá buốt, chỉ với một miếng vải vừa làm nệm lót, vừa làm chăn, vừa che thân mà không hề hấn gì.
Trước cửa hang có một bụi gai mọc um tùm, nhưng Gotsangpa không một chút hứng thú gì để cắt tỉa nó, mặc dù đi ra đi vào ông thường bị trầy tay chân quần áo rách theo. Ông vẫn nghĩ: “Trước khi ta bị bụi cây này cào lần nữa thì biết đâu lúc đó ta đã chết. Có sao đâu!”
Ông không tham cầu gì trong đời sống nên dễ dàng nhập định liên tục và cũng dạy dỗ cho ít học trò theo hạnh xả bỏ, điều mà ông đã chứng đạt từ lâu.
Vào mùa đông nọ, ông mang theo một học trò giỏi đi du hành. Cả hai đi suốt ngày thì đến một hồ nước mặn đã đóng thành băng, hai bên bờ hồ đầy tuyết. Giữa hồ là một hòn đảo trơ trọi. Hai thầy trò liền ra đó và thiền định suốt mùa đông trong sự viễn ly tuyệt đối.
Cả hai không có gì để ăn ngoài cỏ khô mà Gotsangpa đã tích trữ từ mùa hè, chút trà và một ít tsampa do người học trò mang theo, đó là một loại bột rang mà người Tây Tạng thường ăn. Thế mà Gotsangpa tuyên bố rằng sẽ nấu một trăm ngàn cái bánh tormas bằng bột tsampa, một loại bánh để cúng dường các vị thần bảo hộ vô hình trong khu vực đó.
Người học trò không thể làm gì khác hơn là vâng lời ông thày dở hơi và giúp thầy làm bánh. Cả hai ngồi trong tuyết lạnh, ép bột theo dạng hình tháp và để bánh lên trên một bàn thờ tạm.Sau ba tháng thì hết bột, người học trò hỏi: “Thưa thầy, bây giờ làm sao?”
“Đừng lo”, Gotsangpa trả lời dễ dàng. “Ta đã cúng dường chư Phật và nữ thần Dakini một trăm ngàn cái bánh, trong tinh thần hoàn toàn vô ngại và tin tưởng, ta thì thấy thế. Vũ trụ sẽ sẵn sàng giúp khi một kẻ vô tâm cần đến và ngươi sẽ thấy”.
Thật ra thì người học trò chỉ lo thêm khi thấy những gì đang xảy ra, băng hồ bắt đầu tan và nước thì sâu bờ thì xa không thể bơi vào được nữa. Hai người đành ăn chút trà còn lại và rau cỏ mọc giữa đảo. Người học trò ngày càng gầy yếu, ráng đợi đợt lạnh tới, nước thành băng để vào bờ. Nhưng năm đó hết lạnh và mùa đông thì còn mấy tháng nữa.
Rồi, vào một buổi sáng mùa xuân nắng rực rỡ, Gotsangpa nói: “Nào, con ơi, phép tu thiền định của chúng ta đã hoàn thành và tất cả những gì chúng ta cúng duờng đều đã được chấp nhận. Hãy theo ta”.
Chân người học trò run lẩy bẩy theo thầy ra bờ. Gotsangpa bước chân lên mặt nước đầy ánh mặt trời chiếu rọi và đi nhẹ nhàng lên nước, như ông đi trên một chiếc cầu làm bằng băng. Người học trò đi theo, người như trong mộng, từng bước, từng bước, không dám nhìn xuống một thứ ánh sáng gì dưới chân mình. Ông nghĩ rằng nếu nhìn xuống thì sẽ rơi ngay vào nước lạnh và chìm xuống hồ.
“Đừng quay lại”, Gotsangpa ra lệnh và bước tiếp, “đừng nhìn xuống, cứ vững tâm theo ta”.
Tới bờ, hai người nhìn lại. Hòn đảo nằm xa trong sương giữa mặt hồ. Không có đường băng nào nối đảo với đất liền nữa mà chỉ dường như có một chiếc cầu nhiều sắc làm bằng hàng trăm ngàn cánh tay chư Phật và Dakini.
- Tác giả : Surya Das
- Dịch giả : Nguyễn Tường Bách
*