Monday, December 12, 2022

57- A-Đề-Sa Giác Ngộ

 SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH

*


*

A-đề-sa giác ngộ


    A-đề-sa (Atisha) (34) là con trai một lãnh chúa, sống trong một vương quốc tí hon tại miền Đông Bangale. Ông sinh năm 980 và khi còn nhỏ đã nằm mơ thấy nữ thần Tara sắc lục hiện ra và nói bằng một thứ tiếng không lời: “A-đề-sa (34), ngươi sinh ra không phải để vướng bận đời sống thế gian. Trong 552 kiếp vừa qua, kiếp nào ngươi cũng tìm kiếm chính quảTrong đời này ngươi sẽ thành công. Ngươi sẽ giác ngộ và cứu độ vô số kẻ tầm đạo”.

    Không bao lâu sau, A-đề-sa thệ nguyện làm Tăng sĩ và theo học với nhiều vị đạo sư thời bây giờ. Đạo sư Mật tông Rahula đưa ông tới mức độ của một vị Acharya (giáo thụ). 

    Người giáo thụ trẻ tuổi này nổi tiếng là một nhà hùng biện, nhưng chàng biết rõ rằng, ăn nói lưu loát và lối suy nghĩ có qui định sẽ không mang lại gì cả, nên chàng lên đường tìm kiếm con đường ngắn nhất dẫn đến giác ngộ. Chàng tự nhủ: "Theo Bồ-tát đạo thì muôn ngàn kiếp sau ta cũng không đắc đạo được. Bồ-tát lúc nào cũng quên mình, chỉ lo tìm ánh sáng giác ngộ noi chúng sinh khác. Nếu thế thì ngàn năm sau ta cũng còn quanh quẩn mãi trong vòng trói buộc của ảo giác”.

    Chàng thanh niên cảm thấy buồn rầu mệt mỏi. Chàng nằm trên ghế định ngủ thì bỗng nhỏm dậy, nghe tiếng gọi của đạo sư. Chàng liền vội đến Rahula.

    Rahula nói: “Nghe này, ta đã gọi con. Bất cứ sự đeo bám nào nơi cái ngã sẽ ngăn con không được hòa với cái đó, với cái vô cùng đó, cái đã sản sinh ra từng cái ngã nho nhỏ. Dù cho con có những thần thông ghê gớm, đầu óc con có phát triển một cách thiên tài, con có thâm nhập thiền định sâu sa, và con có chứng được Niết-bàn, thì chúng cũng chỉ là những con đường vòng, con đường gián tiếp. Con phải ngộ ra rằng, cái gọi là cái tôi đó chỉ là một sự nhầm lẫn của tri thức, sự nhầm lẫn này đã lặp đi lặp lại quá nhiều kiếp rồi. Sau đó con cũng thấy cái ngã nơi người khác chẳng qua cũng là một sự nhầm lẫn của tri thứcNhận ra thế nhưng cũng đừng có coi trọng nhận thức đó, nếu không con lại rơi vào cái bẫy của ngã. Hãy nhận ra cái vô cùng đó trong mỗi hiển hiện của . Con sẽ thấy ở đâu cũng là nó. Hãy quên cái không thật để cái thật phơi bày.   Con chính là những gì con tìm thấy nơi người khác. Hãy thấy ánh sáng giác ngộ nơi người khác, đó là con đường ngắn nhất để đạt giác ngộ của mình”.

    A-đề-sa gật đầu và cám ơn vị đạo sư. Thật ra thì chàng đã nghe qua lời này, nhưng khi nghe nó từ lời một vị đạo sư, và biết rằng Rahula đã thấy ánh sáng nơi mình, lòng chàng tràn ngập một tình thương không diễn tả được.

    “Ai là người thoát khỏi sự ràng buộc của ảo giác, ai là người nhập Niết-bàn”. Rahula nói tiếp: "Cái người đó, người từ chối chuyện này để chạy theo chuyện kia, người đó chỉ là kết quả tri thức đang tưởng tượng. Hãy nhớ rằng tri thức đó, đang sử dụng một thứ nhị nguyên không bao giờ có thật. Cái an lạc nội tâm đang hiện hữu từng giây phút trong con, trong tự tính của con. Kẻ nào cứ tìm tòidòm ngó, kẻ đó đang quên những gì nó đang có, đang cùng nhìn ngó với nó”.

    A-đề-sa lại gật đầu hiểu ngộ như ngàn lần trước đó… nhưng lần này, chàng tự thấy thêm rằng, kinh nghiệm là những gì chúng đến rồi đi, và vì thế chúng không phải là cái gì thường hằng, không thể là cái gì đưa đến tri kiến về tự tính

    Rahula trả lời: "Không có gì để tìm cả. Tất cả điều đáng làm đang tự xảy ra trước mắt con. Nhưng nếu con cứ muốn tìm một cái gì thì ta cho con lời khuyên như sau: Hãy tự đồng hóa mình với đức Quán Thế Âm và hiểu rằng Ngài và con cũng chỉ là một”. 

    Nhưng tri thức là thứ không hề yên nghỉ, A-đề-sa vẫn cứ tìm con đường ngắn nhất. Chàng thực hiện mọi phép thiền quán và siêng năng lui tới Giác Thành (4), là nơi Phật Cồ-đàm thành đạo, đi nhiều vòng quanh tháp. 

    Chàng vừa đi vòng thứ một trăm quanh tháp xong và tự đồng hóa mình với Quán Thế Âm thì có hai phụ nữ ở đâu lại gần, ngồi xuống và trò chuyện với nhau

    Một bà nói: "Bà nghĩ sao, làm sao đạt được giác ngộ nhanh nhất?” Chỉ nhìn thoáng qua, A-đề-sa đã biết hai người này không phải tầm thường.  Khuôn mặt rực sáng như được chiếu ánh sáng và thái độ của họ biểu hiện một sự cao quý, chỉ có thể xuất phát từ một tâm hồn an lạc sâu xa. A-đề-sa biết họ là sứ giả của một thế giới cao hơn, và họ nói với nhau là để cho chàng nghe. 

    Bà kia cười đáp: “Quên mình là con đường ngắn nhất, còn đường nào khác? Bà bỏ quên cái ngã và bỏ quên cái khổ. Chỉ còn một điều duy nhất đáng làm trên thế giới này, đó là hãy hết mình phụng sự người khác”.

    Ngày hôm sau, A-đề-sa đang thiền định dưới gốc cây Bồ-đề trong Giác Thành thì một bà già ăn xin xấu xí đến. Một kẻ cùi đi cà nhắc tới và bắt đầu chuyện trò với người ăn xin. A-đề-sa không muốn nghe nhưng nội dung câu chuyện vẫn bám vào óc chàng: người ăn xin giảng cho kẻ cùi nghe rằng, từ bi là con đường thoát khổ. “Hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, thay vì mong chờ người ta thông cảm và giúp đỡ ngươi. Ngươi đang bị lòng ích kỷ của chính ngươi kiềm tỏa”, người ăn xin nói.

    “Thật là lạ”, A-đề-sa nghĩ, “ ở đây xem ra ai cũng biết con đường giác ngộ và cũng phù hợp với lời thầy. Chỉ có ta, có ta là còn nghi hoặc”.

    Hôm sau, A-đề-sa đi vòng xung quanh bảo tháp ở Giác Thành, tay lần chuỗi hạt, bỗng nghe chim hót ríu rít. Chim vừa đậu xuống tổ được làm bên cạnh đầu gối của tượng Quán Thế Âm. Chàng có cảm tưởng tiếng chim hót như nhắc lại thắc mắc của mình. Và ngước nhìn tượng Quán Thế Âm, chàng nghe nét mặt bức tượng hầu như nói: "Muốn nằm yên trong tự tính, ngươi hãy rũ bỏ mọi vướng mắc, mọi thành kiến. Sau đó, dù nghe qua có mâu thuẫn, ngưoi hãy mang tất cả gánh nặng của chị em ngươi, nếu thấy họ có lỗi thì hãy tha thứ hết cho họ. Chỉ có thế ngươi mới tự giải thoát ra khỏi ảo giác của một cái ta, cái ta tưởng chừng nay tội lỗi”.

    A-đề-sa đứng yên như tượng, lòng tràn đầy tri kiến, thứ tri kiến chàng đã biết nhưng lần này không còn một thứ nghi hoặc nào cản đường. Trong tâm chàng bỗng hiện lên một linh ảnh:  một người lạ nói với tình thương vô biên. Trên một vùng đất xa lạ, người đó ngồi dưới bóng dừa và giơ tay vẫy A-đề-sa ngồi xuống bên cạnh. 

    Một thời gian sau, A-đề-sa lên đường đi Sumatra, một hòn đảo nhiệt đới, nơi đó đạo sư giác ngộ Serlingpa, vị thầy sau cùng đã đợi sẵn. Chàng ở tại đó 12 năm và được Serlingpa truyền đạo cho, thường bằng tâm truyền tâm. 

    Sau khi Serlingpa nhập diệt, A-đề-sa trở thành truyền nhân, nắm giữ một phép bí truyền của Đại Thừa Phật giáo. Đó là phép Tonglen, được dịch là chuyển hoá. Đó là phép trong đó hành giả chấp nhận cái năng lực tối tămthô bạo của sự ích kỷ của người khác, rút năng lực đó vào trong tâm mình và biến nó thành con đường của lòng từ bi rực sáng. Tonglen, một khi được hành giả thượng căn áp dụng là một phép chữa bệnh vô song, nhưng đó là một phép tu khó khăn nên đến giữa thế kỷ 20 vẫn còn bí truyền.

    Trong những năm sau đó, A-đề-sa trở về Ấn Độ và giảng dạy tại đại học Vikramaschila. Hàng ngàn ngưòi đã được gặp ông và còn nhớ ông là người có những tri thức lạ lùng về con người của chính họ. Lời tiên tri của nữ thần Tara đã thành sự thật và một ngày kia, nhà vua Tây Tạng nghe đến tên tuổi và lòng từ bi rộng khắp của ông.  Nhà vua cử một đoàn sứ giả qua Ấn Độ, dâng cúng nhiều vàng bạc để mời cho được A-đề-sa qua Tây Tạng

    Mới đầu A-đề-sa xin cho được suy nghĩ, nhưng thực tế ông không suy nghĩ gì cả, chẳng tìm lời câu trả lời gì trong tri thức của mình, mà liên hệ với Quán Thế Âm và Tara để xin các ngài hướng dẫn.

    Tara, bằng cách nói không lời, cho biết Tây Tạng bây giờ và mai sau rất cần sự hiện diện của A-đề-sa. Nhưng Tara nói thêm, nếu đi Tây Tạng A-đề-sa chỉ sống đến 72 tuổi, còn nếu ở lại Ấn Độ thì thọ 92 tuổi. Sau đó A-đề-sa lên đường đi Tây Tạng, không chút ngần ngừ .

    Nhờ con ngưòi này mà Phật giáo Tây Tạng được phục hưng, nhất là phép tắc quy luật của cả một xã hội được chỉnh đốn lại từ gốc.  Tại Tây Tạng, A-đề-sa được xem là vị đạo sư của quy y, vì nhờ ông mà vô số người thoát khỏi được vòng vây hãm của ảo giác. Năm 72 tuổi, ông rời thế giới này, trở về sứ xở của vô biên, đúng như Tara đã tiên đoán.

  • Tác giả : Surya Das
  • Dịch giả : Nguyễn Tường Bách

Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a15207/su-tu-tuyet-bom-xanh-the-snow-lion-s-turquoise-mane-surya-das-nguyen-tuong-bach-dich 

*

PHỤ CHÚ:

(4) Giác Thành (Bodhgaya): Có khi được gọi là Bồ-đề đạo tràng, là một trong bốn thánh địa của Phật giáo, cách Patna 90 km về phía Nam. Ở đây đức Thích-ca Mâu-ni đã giác ngộ sau khi thiền định 49 ngày dưới cội Bồ-đề. Ngày nay tại đây còn lại tháp Đại Bồ-đề do một nhà vua Tích Lan xây dựng.

(34) A-đề-sa (Atisha) 980-1055: Luận sư chuyên nghiên cứu các phương pháp chứng ngộ Bồ-đề tâm (Boddhicitta). Là tổ của dòng Maghada và thuyết sư tại Đại học Vikramashila. Ông được mời qua Tây Tạng và sống ở đó 12 năm cuối đời mình. Ông là người sáng lập trường phái Kadampa, gây ảnh hưởng lên Phật giáo Tây Tạng, nhất là dòng Tsongkhapa. Đệ tử quan trọng nhất của ông là Dromton. Thế kỷ X được xem là thời đại truyền pháp lần thứ hai từ Ấn Độ qua Tây Tạng, thông qua dòng vua miền Tây Tây Tạng. Lúc đầu nhà vua cử sứ giả qua Ấn Độ thỉnh kinh, thí dụ dịch giả Rinchen Sangpo. Về sau nhà vua mời hẳn luận sư Ấn Độ qua Tây Tạng, và đó là Atisha. Năm 1042 ông đến Tây Tạng, sống ở Netang và bắt đầu công cuộc giáo hóa. Trong tác phẩm Bodhipattapradhipa (Bồ-đề đạo đăng luận) ông trình bày toàn cảnh giáo pháp Đại thừa và chia hành giả theo ba căn cơ: loại người mong được tái sinh nơi tốt lành; loại người tu vì sự giác ngộ của chính mình (Tiểu thừa); và loại người tu vì sự giác ngộ của tất cả chúng sinh (Bồ-tát). Công trình chính của Atisha là xếp đặt thứ tự Kinh sách, không phổ biến bừa bãi. Ông là người đưa Tara trở thành một vị thần bảo hộ quan trọng của Tây Tạng. Trong các tác phẩm của mình, Atisha thống nhất hai trường phái chính của Bát-nhã Ba-la-mật: quan điểm tánh không của Long Thọ và tính bao trùm của tâm thức giác ngộ theo Vô Trước.

*



*