SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH
*
Tiếng chim tâm thức
Vairochana (40) là một đạo sư thiền quán Tây Tạng sống vào thế kỷ thứ tám. Tại Samye, tu viện Tây Tạng đầu tiên, ông được Liên Hoa Sinh điểm đạo cho và sau đó học tập trở thành dịch giả. Rồi ông tuân lệnh vua Tây Tạng Trisong Deutsen (41) đi Ấn Độ, học giáo pháp Đại Thành để về truyền bá lại cho dân chúng.
Chàng thanh niên hai mươi tuổi Vairochana đi bộ, vượt Hi-mã-lạp Sơn và tới Giác thành, là nơi chàng học tập giáo pháp cơ bản Đại Thành. Sau đó chàng tìm tháp chín tầng của Sri Simha (42), đó là nơi mà Liên Hoa Sinh và Vimalamitra (43) đã từng khai thị phép Đại Thành cao cấp.
Tháp Sri Simha nằm rất sâu trong rừng gỗ chiên đàn, một loại gỗ thơm. Khu rừng này và mọi sinh vật sống trong đó rất huyền bí, vì chỉ có rất ít người được vào tới giữa rừng. Đường xa mệt mỏi, Vairochana vừa nghỉ chân dưới bóng một gốc cây thì có một nữ tu sĩ rất trẻ, đầu đội một bình nước đi qua.
Chàng thanh niên Tây Tạng đứng dậy, cúi đầu chào ba lần rồi hỏi: “Thưa cô, tìm đâu ra tháp của ngài Sri Simha, cô chỉ đường tôi đi được chăng?”
Cô tu sĩ này đi tiếp, không nói một lời cũng chẳng hề xoay đầu lại. Chàng nhìn bình nước trên đầu cô, vận dụng phép tâm thức thành sức nặng mà chàng đã học trong viện Samye, làm bình nước nặng lên hàng tấn. Cô tu sĩ phải đặt bình nước xuống và không nhấc lên nổi nữa. Sau đó cô quay người qua Vairochana, nhanh nhẹn vạch ngực ra cho chàng thấy một Man-đa-la ngay giữa tim nàng, đó là một đồ hình vẽ nhiều vị thánh, biểu tượnghuyền bí và hình thù kỳ lạ. Cảm thấy tâm thức mình tràn ngập một thứ tri kiến chưa hề có, Vairochana quì xuống dưới chân cô tu sĩ.
“Hãy đứng dậy”, vị thánh này nói sau một phút im lặng dài như thế kỷ. “Ta sẽ xem, liệu Sri Simha tiếp ngươi được chăng”.
Vairochana cũng rút ra một Man-đa-la mạ vàng, đặt vào tay nàng. “Xin gởi cho viện trưởng, xin nhận ở đây lòng thành kính nhất. Cái này là của cải duy nhất của tôi trong thế gian và được vua Trisong Deutsen cho mang theo. Tôi tới đây để xin được ngài Sri Simha điểm đạo vào phép Maha-Ati Tantra (44) vô thượng”.
Ngày hôm sau, Vairochana được gặp Sri Simha. Lòng tràn ngập sự cảm tạ sâu xa, chàng nằm dài ba lần và sau đó quì trước vị “sư tử hống”. Nhưng Sri Simha giải thích cho chàng không phải ai cũng thích hợp để tu học pháp Maha-Ati. Chàng hỏi tại sao, thì Sri Simha trả lời: “Sữa của sư tử tuyết quý giá vô ngần, không lẽ bình xí nào cũng đựng được ư? Ngoài ra vì vua của nước này sẽ chém đầu bất cứ ai giảng dạy pháp Maha-Ati, đó là giáo pháp phủ nhận cái nhị nguyên, nó sẽ chôn vùi quyền lực của nhà vua và toàn thể thiên hạ sẽ loạn lạc”.
Sau đó, mỗi ngày chàng dịch giả Tây Tạng đều cầu xin Sri Simha được khai thị cho phép Maha-Ati, lấy lý do đã vượt bao khó khăn gian khổ mới đến được đây.
Cuối cùng thì Sri Simha đồng ý, nhưng ngài đòi chàng phải tuyệt đối giữ bí mật. Mới đầu ngài dạy chàng với các vị khác trong những tầng thấp của tháp, ôn lại giáo pháp của Phật về nguyên lý nghiệp và nghiệp lực, luật nhân quả… Về sau, buổi tối, chàng được lên tầng cao của tháp để học những giáo pháp bí mật nằm ngoài phạm vi nhân quả.
Qua giờ tí, Sri Simha đưa chàng vào 18 bài khai thị đầu tiên của phép Maha-Ati. Sau đó ngài dùng sữa dê vẽ văn tự Sanskrit lên một tấm lụa trắng và cho hay các chữ này chỉ hiện lên khi hơ tấm lụa trên lửa. Ngài bắt chàng phải thệ nguyện không được tiết lộ bừa bãi, và viết 18 câu kệ lên tấm lụa, để Vairochana mang về Tây Tạng.
Trong những tháng sau đó, Sri Simha dạy cho chàng những giáo pháp bí mật nhất thế gian và cũng lần đầu tiên trong lịch sử, các giáo pháp đó được viết bằng văn tự.
Vairochana đem về được quê hương các bí lục đó và dịch ra tiếng Tây Tạng, đặt tên chúng là “Tiếng chim tâm thức”. Sau đây là vài hàng của các dòng chữ quý báu đó, đã được dịch từ Sanskrit ra tiếng Tây Tạng:
“Cái vạn trạng không hề rời cái duy nhất.
Tất cả mọi sự đều ở ngoài mọi qui ước,
Không đầu óc nào với tới được.
Tất cả mọi sự không hề dính tới tính nhị nguyên,
Thứ nhị nguyên tốt xấu do đầu óc tự nghĩ ra.
Vì mọi thứ, tự nó đã là viên mãn, là tuyệt diệu,
Không liên quan gì đến mọi cố gắng, mọi mong cầu điên đảo,
Nên người hãy yên nghỉ trong nhất thể từ xưa đến nay.”
Vairochana kể tiếp: “Tôi cố ở bên ngoài, với con người vô song này và nhận được nhiều giải thích, nhiều khai thị, thường thường ngài nói nhỏ vào tai. Nhưng có lần, đi dạo tới một góc vắng của rừng chiên đàn, Sri Simha chỉ tay lên trời đọc:
“Chân như vươn mình tới vô cùng.
Nếu ngươi biết, nó là gì, và cứ để nó như thế,
Thì tất cả đều hiện ra viên mãn,
Không có chút bợn nhơ, tuyệt diệu.
Có gì hơn được nó?”
Trước khi Vairochana rời Ấn Độ về nước thì đạo sư đầu tiên của Đại Thành là Garab Dorje (45) hiện ra cho chàng thấy trong một linh ảnh và trao cho chàng hơn một trăm ngàn câu kệ, mà Vairochana còn giữ cho hậu thế. Garab Dorje, vị “đạo sư vui cười” nói:
“Cái tỉnh giác của tự tính chúng ta là Phật tính.
Từ xưa đến nay đã thế.
Tâm như không gian: rộng mở, vô ngại, phi tính chất,
không sinh, không diệt.
Ai là người có thể,
Xuyên qua cái vạn trạng mà thấy cái tự tính,
và lưu trú trong đó,
kẻ đó là người thực hành thiền định,
thâm sâu và đúng đắn
và thâm nhập chân như không hề chút cố gắng.”
Trên đường từ Ấn Độ về Tây Tạng, Vairochana lưu trú được trong tự tính, nên có chút thần thông phát sinh. Người ta gọi đó là phép “chân bay”, nói về những người hết tin trọng lực là có thật thì cũng không bị qui luật đó trói buộc. Nhờ biết vận dụng hơi thở, con người có thể động viên sức mạnh vật chất cho phép mình nhấc bổng thân hình và đi đến mọi nơi với thời gian kỷ lục. Nhiều kẻ thực hành cũng có thể vận dụng phép ấy tới một mức nhất định; các nhà nghệ sĩ nhảy múa đôi lúc vô tình biểu diễn được phép thoát trọng lực và đó là dấu hiệu đầu tiên của sự bay bổng.
Với phép đi tuyệt vời này, Vairochana về lại Tây Tạng, giáo hóa cho nhà vua về giáo pháp Đại Thành. Và lần này cũng thế, với một bí mật nghiêm ngặt. Ban ngày, Vairochana sống như mọi Tăng sĩ và dạy giáo pháp nhân quả. Nhưng ban đêm, sau khi cửa đóng lại, ngài dạy vua những gì mà ngài đã giác ngộ.
Trong đời ngài, Vairochana còn bí mật dạy thêm nhiều người khác tri kiến thâm điệu đó và truyền ánh sáng của mình rộng ra. Cuối cùng ngài chết trong rừng già Nepal như một đại sư đắc đạo.
- Tác giả : Surya Das
- Dịch giả : Nguyễn Tường Bách
*
CHÚ THÍCH:
(40) Vairochana:
Người Tây Tạng sống ở thế kỷ VIII, là một trong năm người đầu tiên
được thọ tỳ-kheo. Có thời gian ông là thông dịch viên cho Liên
Hoa Sinh. Về sau vua Trisong Detsen gửi ông đi Ấn Độ học mật pháp.
Ông có thần thông đặc biệt, gọi là thần túc thông, đi nhanh như
chim bay. Khi về lại Tây Tạng ông phiên dịch Kinh
sách, đặc biệt là Kinh sách Bát-nhã. Sau nhiều năm sống ở Kham, ông
đi trung quốc và truyền giáo pháp Mật tông tại đó.
(41) Trisong Detsen (742-798): Vua Tây Tạng có công lớn đưa Phật giáo vào nước này. Ông là người mời Liên Hoa Sinh đến Tây Tạng, cho dịch Kinh sách và xây nhiều bảo tháp. Ông là một trong 25 học trò của Liên Hoa Sinh.
(42) Sri Simha:
Người Tây Tạng sống vào thế kỷ VIII, là một trong những người
thuộc phái đoàn được nhà vua Trisong Detsen cử di Ấn Độ để
mời Liên Hoa Sinh qua Tây Tạng. Ông là một trong năm
người Tây Tạng đầu tiên thọ tỳ-kheo, và là người có công dịch
Kinh sách qua tiếng Tây Tạng. Người ta kể rằng cuối đời ông
chết thảm khốc.
(43) Vimalamitra:
Người Ấn Độ sống vào thế kỷ VIII, vốn là thầy của Liên Hoa Sinh.
Ông được Trisong Detsen mời qua Tây Tạng giáo hóa, và tham
gia dịch nhiều Kinh sách.
(44) Maha Ati: Một
trong ba pháp tu tối thượng của tantra Ấn Độ, là Maha yoga, Anu
yoga, và Ati yoga.
(45) Garab Dorje: Tương truyền là vị đạo sư đầu tiên
của trường phái Đại Thành. Có nhiều giả thuyết về năm sinh cùa
Garab Dorje, có sách ghi là năm 516 tdl, tức 28 năm sau khi Phật
Thích-ca thành đạo. Có tài liệu cho rằng ông sinh năm 55 sdl.
*