SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH
*
*
Đời sống bình đẳng
Năm 1982, Đạt-lai Lạt-ma (7) thứ 14 đi Pháp để tham dự một hội nghị hòa bình. Trong một buổi tiếp tân, Ngài chuyện trò với Pawo Rinpoche, - một Lạt-ma đã già, - về vị Gyalwa Karmapa (31), là vị từ trần trước đó không lâu.
Cả hai vui vẻ nhắc lại các câu chuyện xung quanh vị Gyalwa Karmapa đạt đạo và vừa nói qua về việc tái sinh sắp tới đây của vị này, thì Pawo Rinpoche khám phá một con kiến tội nghiệp đang bò trên sàn gỗ đánh bóng, dùng mọi sức dường như để tránh có ai sắp đạp lên thân mình.
Vì chân Pawo Rinpoche đang bị liệt, ông nhờ Đạt-lai Lạt-ma làm sao cứu con kiến. Đạt-lai Lạt-ma liền đứng dậy, cúi xuống dưới bàn và nói nhỏ một câu phước lành. Xong Ngài giữ con kiến trên tay, mang ra khỏi phòng ăn và đặt con kiến trước cửa dưới ánh mặt trời. Ngài mỉm cười trở lại bên cạnh người bạn già.
“Tôi đã làm cho Ngài một việc đấy nhé, Rinpoche”, Đạt-lai Lạt-ma nói. “Mắt Ngài già rồi nhưng còn tinh hơn tôi đấy. Nhiều người nói về tính Không của mọi sự và mục đích cao cả của Đại thừa, nhưng hiểu biết về sự bình đẳng của đời sống là một trong những đặc tính của Bồ-tát đích thực. Trong mắt Ngài thì mọi dáng hình đời sống đều có giá trị như nhau, cái đó tôi gọi là lòng từ bi.”
Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 nhắc lại chuyện này trong một lần diễn giảng tại Pháp, trong đó Ngài nói về lòng từ bi và tinh thần trách nhiệm.
“Giáo lý của chúng tôi chỉ đơn giản thôi, đó là lòng yêu thương, lòng cảm thông với mọi loài”, Ngài trả lời câu hỏi mà người ta vẫn thường đặt ra cho Ngài về thế giới quan của Phật giáo.
- Tác giả : Surya Das
- Dịch giả : Nguyễn Tường Bách
*
PHỤ CHÚ
(7) Đạt-lai Lạt-ma: Nguyên nghĩa là “đạo sư với trí huệ như biển cả”. Danh hiệu do nhà vua Mông Cổ Altan Khan phong cho phương trượng của trường phái Gelugpa (Hoàng mạo) năm 1578. Từ 1617, Đạt-lai Lạt-ma thứ năm trở thành người lãnh đạo chính trị và tinh thần của Tây Tạng. Kể từ đó, người ta xem Đạt-lai Lạt-ma là hiện thân của Quán Thế Âm. Mỗi một Đạt-lai Lạt-ma được xem là tái sinh của vị Lạt-ma trước. Đạt-lai Lạt-ma thứ sáu là vị có trình độ rất cao thâm và cũng là một nhà thơ.
Vị hiện nay là vị thứ 14, sinh năm 1933, sống lưu vong tại Ấn Độ từ 1959 đến nay. Ngài là người lãnh giải Nobel hòa bình, đồng thời là người đại diện Phật giáo xuất sắc nhất hiện nay trên thế giới.
Danh sách các vị Đạt-lai Lạt-ma:
1/ Gedrun Drub.
2/ Gendun Gyatso.
3/ Sonam Gyatso.
4/ Yonten Gyatso.
5/ Losang Gyatso.
6/ Jamgyan Gyatso.
7/ Kelsang Gyatso.
8/ Jampel Gyatso.
9/ Lungtog Gyatso.
10/ Tsultrim Gyatso.
11/ Kedrub Gyatso.
12/ Trinle Gyatso.
13/ Tubten Gyatso.
14/ Tenzin Gyatso.
(31) Gyalwa Karmapa: vị tái sinh Karmapa thứ 16. Karmapa là tên một dòng cao tăng lãnh đạo phái Karma Kargyu và là dòng tái sinh tulku lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng. Tương truyền rằng sự hiện diện của dòng cao tăng này đã được Phật Thích-ca và Liên Hoa Sinh tiên đoán. Tới nay đã có 16 lần tái sinh. Kể từ thê kỷ XV, mỗi vị được xác nhận tái sinh sẽ mang vương miện đen trong một buổi lễ. Vương miện này được xem là hiện thân của Quán Thế Âm.
Mục đích dòng này là giữ sự truyền thừa của Vajrayana.
Danh sách các vị Karmapa:
1/ Karmapa Dusum Khenpa.
2/ Karmapa Karma Paksi.
3/ Karmapa Rangchung Dorje.
4/ Karmapa Rongpe Dorje.
5/ Karmapa Deshin Sherpa.
6/ Karmapa Tongwa Dolden.
7/ Karmapa Chodrug Gyatso.
8/ Karmapa Mikyo Dorje.
9/ Karmapa Kwangchug Dorje.
10/ Karmapa Choying Dorje.
11/ Karmapa Yeshe Dorje.
12/ Karmapa Chengchup Dorje.
13/ Karmapa Dudul Dorje.
14/ Karmapa Thegchog Dorje.
15/ Karmapa Khachap Dorje.
16/ Karmapa Rigpe Dorje.
*