SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH
*
Trong những năm còn trẻ Gampopa (3) đã phải chịu nhiều nỗi khổ. Ông là một y sĩ của thế kỷ thứ 11, nhưng tài năng ông không ngăn cản được vợ và các con ông chết trong một nạn dịch. Sau mất mát này, ông thề nguyện sống đời Lạt-ma và trở thành tu sĩ khất thực. Không bao lâu sau, ông gặp một đạo sư xuất chúng nhất thời bấy giờ, đó là vị tu sĩ phiêu bồng Milarepa (1). Lúc gặp Milarepa là lúc ông phải vứt bỏ mọi tri kiến, mọi tin tưởng và bắt đầu lại từ đầu.
Dưới sự hướng dẫn của Milarepa, ông thiền định mỗi ngày ít nhất sáu tiếng trong một hang đá không xa hang của thầy. Có lần ông đến thăm thầy và kể với chút hãnh diện rằng mình đã tham thiền liên tục sáu tiếng không nghỉ.
“Hừ”, Milarepa nói, “nhưng cái gì xảy ra suốt trong trời gian đó?”
“Không gì cả”, Gampopa trả lời. “Con không nghĩ gì cả, và ở trong một sự trống rỗng mênh mông”.
“Ngươi gọi đó là trống rỗng mênh mông à?”, Milarepa kêu lên. “Làm sao ngươi thiền định sáu tiếng liên tục được mà không nghĩ ngợi, không cảm giác gì cả? Sai bét! Ngươi chỉ đè nén ngươi thôi và tự ép mình vào trong một trạng thái đó có thích thú gì không, nhưng ta nói cho ngươi nghe, hãy bỏ nó đi, hãy bắt đầu lại từ đầu, và làm như sau”.
Nhà du ca đắc đạo mở miệng và lời nói tuôn ra nghe như thơ:
“Cái nhìn đích thực duy nhất là,
quan sát dòng tư tưởng nội tâm,
không gò bó và hoàn toàn xả bỏ.
Chân Như đâu có nằm ngoài ngươi.
Hãy nhìn thấu tâm thức ngươi đang phóng chiếu,
và thấy rằng, chúng không khác gì hơn,
là phát biểu của cái Tất-cả-là đó,
mà không phép thiền nào chạm tới được.
Đạo sư cao quý nhất là cái vô sinh,
chính là tự tính miên viễn nằm trong ngươi.
Đừng kiếm đạo sư ở đâu khác,
Mọi dạng hình sắc thể đều chỉ là biểu lộ của chính con người
Ai là kẻ thấy mình tự tính mình là Chân Như bất hoại,
kẻ đó tức thì đã đạt Phật quả”.
Nghe xong lời khai thị này, Gampopa vội đòi từ bỏ áo choàng đỏ, dấu hiệu của chức sắc tu viện, để được mang một áo trắng giản đơn như Milarepa thường mặc.
Thế nhưng Milarepa cũng không chịu điều này. “Đừng bắt chước ai cả”, Milarepa cười nói, “mỗi người hãy tự đi theo tiếng gọi sâu thẳm của chính mình”. Sau đó ngài cất lên bài ca mô tả đặc trưng đích thực của một tu sĩ hay một phép tu học, đó là: xá bỏ, quên mình, thể nhập và tri kiến vô ngã.
“Hỡi người thầy thuốc vừa là Tăng sĩ,ngươi hãy tự chữa mình”, Milarepa ca, “rồi chữa cho cái gọi là ‘người khác’ một cách tự nhiên. Giáo pháp của ta xuất phát từ tâm thức sâu thẳm của ta, thì ngươi cũng để hành động của mình xuất phát từ chính ngươi, từ cái vừa vô song vừa khắp-nơi-đều-là đó.”
- Tác giả : Surya Das
- Dịch giả : Nguyễn Tường Bách
*
PHỤ CHÚ
(1) Milarepa: Tên Tây Tạng có nghĩa “Mila người mặc áo vải khổ
hạnh” (1052-1135). Một trong những thánh nhân nổi tiếng nhất
của Tây Tạng. Ông là học trò của Marpa và bị thầy thử thách khắc
nghiệt, cuối cùng ông được truyền giáo pháp Đại thủ
ấn (Mahamudra) và Naro Chodrug. Ông sáng lập tông
phái Kargyupa. Ngày nay Phật giáo Tây Tạng vẫn còn nhắc nhở
về cuộc đời và các bài ca của ông. Milarepa sinh tại Tây Tạng,
gần biên giới Nepal. Lúc ông lên bảy, cha mất, gia sản bị chiếm
đoạt, gia đình ông bị đối xử tệ bạc. Nhằm trả thù, ông học
phép tà và trong một lần dùng phép, ông giết hại nhiều người. Ăn
năn, ông tìm gặp đạo sư của tông Nyingmapa là Rongton, nhưng vị này
khuyên ông nên gặp Marpa. Ông trở thành đệ tử của Marpa năm 38
tuổi, nhưng suốt sáu năm ông chỉ được xem là kẻ hầu, và Marpa thử
thách khắc nghiệt khiến ông kiệt sức và gần muốn tự sát.
Nhờ vậy ác nghiệp được trả xong. Marpa bắt đầu cho ông học pháp
bằng cách sống viễn ly cô tịch, truyền giáo pháp
Naropa và đặc biệt dạy phép nội nhiệt. Chỉ khoác một chiếc áo
mỏng manh, Milarepa sống nhiều năm trong cái lạnh của Himalaya, chỉ chuyên
tâm thiền định trong hang động. Sau chín năm độc ẩn, ông bắt đầu nhận
học trò, trong đó có y sĩ Gampopa là người quan trọng nhất. Ông mang giáo
pháp cho đời bằng các bài ca bất hủ.
(3) Gampopa (1079-1153): Một trong
những cao tăng Mật tông quan trọng của dòng Kagyupa tại Tây
Tạng. Năm 26 tuổi sau khi vợ mất, ông trở thành tăng sĩ và
theo giáo pháp của phái Kadampa. Trong quá trình tu học, ông
được gặp Milarepa, một vị cao tăng đắc đạo, và được Milarepa truyền
cho Đại Thủ Ấn. Sau Milarepa mất, ông thành lập tông Kagyupa.
Ông là tác giả của “Lamrim” (báu vật giải thoát), đã hợp nhất
hai trường phái Kagyupa và Kadampa, “như hai dòng nước hòa vào nhau”.
*