SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH
*
Tu sĩ với cái mũi kỳ quặc
Ngày xưa có một người suốt ngày chăn bò ngoài đồng cỏ. Trong lúc đó thì cả gia đình chăm chỉ học tập Kinh điển với một vị Lạt-ma. Mọi người gọi kẻ chăn bò đó là "Mũi trái rạ”, vì lẽ hồi nhỏ ông bị bệnh trái rạ và cái mũi ngày nay còn đỏ hồng, có sẹo.
Mọi người đều cho là ông kém thông minh, nhưng ông luôn hỏi xem gia đình học được nơi vị Lạt-ma nọ những gì, vị Lạt-ma làm gì nói gì. Thường thì lời nói của ông bị gạt qua một bên, người ta nói rằng đó là “Mật giáo”, không phải ai cũng được biết. Có lúc ông hỏi: “Mọi người học được mấy điều” thì được trả lời: “Chỉ ba điều thôi, giáo pháp chỉ có ba chữ thôi nhưng chứa đựng tri kiến toàn thế giới.”
Cứ thế mà gia đình xem thường ông. Ai cũng biết ông tha thiết được học để khỏi thua mọi người, nhưng ai cũng nghĩ đầu óc non kém như ông thì học được cái gì.
Sau mấy năm. “Mũi trái rạ” mới tự nghĩ ra rằng mình phải tự tìm kiếm hiểu biết cho mình, cái hiểu biết chỉ gồm có ba chữ mà không ai chịu tiết lộ. Kể từ lúc đó ông bắt đầu tích trữ thực phẩm và tìm cách bí mật trốn đi. Với một bọc đựng thức ăn đi đường, một đêm nọ, ông trốn đi lên đường tìm vị Lạt-ma, không nói gì với gia đình cả.
“Mũi trái rạ” chẳng biết tên tuổi vị Lạt- ma, chẳng biết ngài ở đâu vì thực tế ông chưa từng rời nơi chăn bò. Nhưng ông tin chắc rằng, thế nào mình cũng kiếm ra một vị đạo sư và học được ba chữ đó.
Ông đi từ làng này qua làng khác và giữa đường nghe nói về một nhóm tu sĩ sống trên núi. Các vị này học với một vị Lạt-ma. Ông liền đi đến đó và cũng được tiếp đón tử tế. Nhưng lúc nghe giảng, “Mũi trái rạ” thấy giáo pháp phức tạp khủng khiếp, không có gì hấp dẫn cả. Vị Lạt-ma này nói cái gì dài dòng, chỉ những phép tu bí truyền khó hiểu, chỉ mọi cách để đạt đạo. Trong lúc đó “Mũi trái rạ” biết rõ cái quan trọng nhất chỉ gồm ba chữ, sao không nghe nói tới.
Chỉ nghe một lần giảng, ông đã biết tay Lạt-ma này chỉ là một tên phù thủy và vội vã rút lui. Người hầu cận Lạt-ma thấy “Mũi trái rạ” sắp rút bèn mời ông ở lại thêm một đêm để ngày mai gặp thêm vị Lạt-ma trưởng nữa. “Thấy chưa,” ông vui vẻ nhận lời, “ngày mai, ta sẽ hỏi vị đạo sư này về ba chữ đó và tâm ta sẽ yên”.
Mặt trời chưa kịp lên thì “Mũi trái rạ” đã đứng trước vị Lạt-ma đắc đạo rồi và xin được nghe ba chữ, ba chữ chứa đựng toàn thế giới đó, ba chữ mà các nhà thông thái ai cũng biết mà không chịu tiết lộ. Vị Lạt-ma nọ biết rõ, đối với người đã chín thì một chữ cũng đánh thức họ được, đối với người chưa chín thì một trăm kiếp cũng không. Ông cười thông cảm: “Lòng ham học của con thật đáng quý trọng, nhưng con nghe sao về ba chữ đó?”
Nghe đến đây thì người chăn bò tức giận. “Ngươi muốn trêu ta nữa ư?”, ông kêu lớn. “Ngươi chỉ là một cuốn từ điển biết đi mặc áo tu sĩ, hay ngươi cũng ích kỷ giấu giếm ba chữ đó. Đồ …”
Người chăn bò tuôn một tràng chửi bới làm vị Lạt-ma nọ cũng nóng theo. Ông giật cái chuỗi gỗ đeo cổ, quay trên tay và gọi: “Mũi trái rạ, đâu có gì đâu, Hung Benzar Phet!”. Chuỗi đeo bỗng dập trúng người chăn bò, còn Lạt-ma trưởng tức giận bỏ ra khỏi phòng.
Trong khi các đệ tử khác nghe giảng pháp thì người chăn bò ôm đầu đang bị u và suy nghĩ chuyện xảy ra có ý nghĩa gì. “Ta hỏi ba chữ đó, vị Lạt-ma đập cái chuỗi trên đầu ta và cho ta một mật chú. Phải chăng đó là ba chữ ta tìm kiếm bấy lâu nay. Hung Benzar Phet. Chắc chắn dúng rồi”.
Lòng hoan hỉ, “Mũi trái rạ” lên đường về nhà, ông đã tìm được cái mà người khác đi suốt bao năm không tìm được. Đến nhà, gia đình hỏi ông đi đâu và tại sao ông lại vui tươi đến thế, khác hẳn thường ngày mặt mày đăm chiêu như một con chó bị đập.
“Mọi người chắc không tin đâu, nhưng thực tế là ta đã học được nơi một vị Lạt-ma tất cả những gì mà một người cần học”.
“Thật ư?”, mọi người không tin, “Vị Lạt-ma đó nói gì hay làm gì mà bây giờ ngươi thay đổi đến thế?”
“Chỉ cần ba chữ thôi”, “Mũi trái rạ” trả lời, “Ba chữ bí mật này người ta phải giữ kín, ba chữ này ở trong đáy lòng mỗi ngày đều phải tụng niệm”.
Người chăn bò nọ trở lại với công việc chăn bò, nhưng ông có một chỗ ngồi thiền định giữa các tấm rạ. Cứ mỗi lần xong công việc, ông lại ngồi trong thế hoa sen và tập trung cao độ đọc mật chú nọ. Lúc chăn bò, ông cũng tu luyện sự tỉnh giác, mối lần thấy tâm mình lơi lỏng, ông lại nhẩm: Hung Bezar Phet.
Không bao giờ ông hỏi các chữ đó có nghĩa gì. Đối với “Mũi trái rạ”, ba chữ đó bao trùm toàn bộ sự vật. Với lòng thiết tha tu tập, dần dần người chăn bò trở thành một tu sĩ có trình độ, mặc dù không bao giờ ông thấy mình là một tu sĩ .
Cứ thế mà nhiều năm trôi qua, rồi đến một ngày có người kiếm Mũi trái rạ trong chuồng bò và nhờ ông cùng cưỡi ngựa xuống núi có chuyện."Chủ tôi là một trưởng giả giàu có, nhưng vợ của ông ta bị ốm. Thình lình bà ta nổi cơn điên như bị ma nhập, không thể chữa chạy được. Người ta nói có một tu sĩ như ông có thể giúp được, ông có mật chú đặc biệt. Hiện nay y sĩ và Lạt-ma đều bó tay cả”.
"Mũi trái rạ" ngạc nhiên, ông chưa bao giờ nghe tin đồn đại về mình. Tuy thế ông cũng sửa soạn lên đường xuống núi để giúp người bệnh trong khả năng của mình.
Đến nơi, ông vội vào thăm người bệnh đang vật vã. Không một chút ngần ngại, ông bắt chước thầy mình ngày trước làm sao thì làm vậy: ông giật xâu chuỗi gỗ đeo trước ngực, gõ đầu người bệnh và gọi lớn: "Mũi trái rạ, đâu có gì đâu, Hung Benzar Phet!”
Mọi người kinh ngạc khi thấy người bệnh bỗng nhiên hết điên. Bà chớp mắt nhìn quanh như ai vừa đánh thức bà dậy từ một cơn mê dài và hết bệnh.
Từ đó, "Mũi trái rạ" bỗng thành nổi tiếng là người chữa bệnh. Ông có nhiều thái độ kỳ quái khó hiểu, nhưng dần ai cũng kinh sợ trước câu thần chú của ông.
Rồi tới một ngày vị Lạt-ma đã từng truyền thần chú cho "Mũi trái rạ" cũng bị bệnh. Mọi người gửi một đoàn sứ giả với nghi thức hết sức long trọng để mời vị tu sĩ với cái mũi kì quặc đó đến giường bệnh. Người chăn bò không đợi nói lâu, ông liền đi nhanh tới chỗ người bệnh, vượt trước đoàn tùy tùng.
Ông tự mình vén lều đi vào, đến bên giường và sắp sửa rút xâu chuỗi từ trên ngực xuống thì vị Lạt-ma nọ kêu tên hầu cận hỏi tên khùng này là ai mà sắp đập lên đầu ông cái xâu chuỗi. Giọng nói Lạt-ma nghe rất khổ sở vì ông đang bị bệnh sưng cổ.
“Thầy không nhận ra con sao?” người chăn bò kêu lên lo lắng. Không, vị Lạt-ma nọ có hàng trăm học trò và hàng ngàn người đã đến nghe giảng. “Bạch thầy, con đến đây để thực hành phép chữa bệnh mà thầy đã dạy cho con với lòng từ bi vô hạn, nhờ nó mà con giúp đuợc người đời”.
Từ đó vị Lạt-ma nhớ ra, đó là một lần ông thốt ra vì giận dữ, một sự giận dữ ít khi xảy ra. Vị đạo sư nhớ ra, ông quay xâu chuỗi và đập chúng đầu tên khùng này và thực đã đọc một câu thần chú chửi thầm tên này, câu này rất ấu trĩ, nhằm đối trị vô minh và ma quỉ: Hung Benzar Phet!
Vị đạo sư nhớ ra cười lớn khi thấy những hành động của mình ngày xưa có hiệu quả không ngờ. Và sau đó tên hầu cận và cả người chăn bò cũng cười, tiếng cười cứ nối tiếp nhau và nhờ đó cái độc nơi cổ Lạt-ma bị loãng đi và bị tống ra ngoài.
Vị Lạt-ma được chữa lành bệnh theo một cách chưa hề có. Ông lắc đầu tự nghĩ: “Tên chăn bò khùng điên này thế mà có khả năng học hỏi…Biết đâu chừng, biết đâu chừng bây giờ y đã đủ sức tiếp nhận giáo pháp ẩn mật của “Sư tử tuyết, bờm sắc xanh” của giáo pháp Đại Thành, là giáo pháp trực tiếp nhận thức chân như”.
Ông nói với "Mũi trái rạ": “Cảm tạ ngươi. Ta muốn tặng ngươi một tặng phẩm lớn nhất, ta truyền cho ngươi giáo pháp vô thượng.”
“Sao? Thầy đã dạy cho con tri-kiến-ba-chữ rồi mà, trong đó chứa đựng hết mọi thứ. Bây giờ lại còn giáo pháp vô thượng gì nữa. Thôi khỏi cần”.
Cũng may là vị Lạt-ma tinh thông với mọi tâm thức, nên ông nói cho Mũi trái rạ nghe giáo pháp vô thượng này chỉ chỉ luận giải thêm cho Tri-kiến-ba-chữ đó thôi, nó chỉ trang hoàng thêm cho câu thần chú "Mũi trái rạ, đâu có gì đâu có gì đâu, Hung Benzar Phet!", làm cho nó thêm linh nghiệm.
"Mũi trái rạ" vui lòng học phép này và vị đạo sư bắt đầu giảng phép Đại Thành cho người học trò kém thông minh nhất trong giới những vị được đưa vào tri kiến vô song này. Ông dạy người học trò này bằng một tâm thức của Chân như viên mãn tuyệt đối.
Những năm sau đó, "Mũi trái rạ" ngộ ra rằng sự viên mãn không phải chứng đạt gì cả vì thực tế nó luôn sẵn có, chỉ cần tự thân khám phá ra mà thôi. Và bây giờ, vì mũi trái rạ đã tiến bộ vượt bực, vị đạo sư chính thức truyền cho ông mật chú Đại Thành đích thực, cũng được diễn tả bằng ba chữ.
Cuối cùng, "Mũi trái rạ" giác ngộ và trở thành một đạo sư của phép Đại Thành.
- Tác giả : Surya Das
- Dịch giả : Nguyễn Tường Bách
*
Bát Nhã Tâm Kinh - Có chữ vừa chậm dễ tụng - 7 biến
*