SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH
*
Buddhaguhya là một đệ tử xuất sắc của Kukkuripa, người đạo sĩ lập dị chuyên nuôi chó. Tại thành Ấn Độ Benares, có lần Buddhaguhya nhập định suốt một tuần, không hề rời chiếu ngồi. Ông tập trung cao độ với sự tỉnh giác không có gì lay chuyển lên tranh họa của Bồ-tát trí tuệ Văn-thù-sư-lợi (16).
Thời gian trôi qua mà người tu sĩ nọ không hề biết. Bỗng một ngày kia, bức họa trở lên linh động và phát sáng, như kinh sách mô tả về phép yoga này từng viết. Trên bàn thờ ngọn đèn dầu sáng rực và các bông hoa héo bỗng nhiên lại dựng thẳng dậy, tỏa mùi hương.
Buddhaguhya cho rằng các dấu hiệu này báo rằng mình sắp giác ngộ và phấn khởi tăng gấp đôi sự tập trung. Trong một phút giây, ông thậm trí nghĩ rằng, hay ta nên uống dầu của ngọn đèn này, xem như “tinh chất của chân như”, hay trước đó nên dâng cúng những bông hoa vừa tươi lên cho đức Văn-thù.
Vừa nghĩ đến đó, lập tức một bóng quỉ xuất hiện nơi hình Văn-thù. Tên quỉ này chụp cổ người tu sĩ, ném xa vị đó với một sức mạnh khủng khiếp đến nỗi người tu sĩ gục xuống bất tỉnh. Trước khi Buddhaguhya mất ý thức, ông còn biết rằng, mình bị một lực xấu ác trong người kiềm chế, không cho mình giác ngộ. Ông biết rằng trong phút đắc đạo thì đó cũng là lúc các năng lực tối tăm trong vô ý thức vùng lên chống lại.
Khi tỉnh dậy, Buddhaguhya phải định hướng vì ông không còn biết đâu là trên dưới, trước sau. Nhìn quanh, ông thấy hình Văn-thù bám đầy bụi bặm, đèn dầu cũng như bông hoa đã khô héo từ bao giờ.
Ông bỗng nhớ lời thầy mình là Kukkuripa, con người kỳ lạ chuyên nuôi chó, nói “Mọi cảnh tượng đều là sản phẩm của tâm thức có qui định. Đừng để chúng lung lạc”.
Buddhaguhya cười lớn và lắc đầu về âm mưu lung lạc của chính tâm mình. Ông đã để cho cái trò chơi của năng lực tốt xấu làm khổ mình và nghĩ chúng có thật. Cái vô minh đã làm ông cảm thấy vui thú với trò chơi dại dột đó.
Ông lắc đầu thầm nghĩ “những cảnh tượng điên rồ này suýt làm ta xa rời tự tánh. Ta đã biết từ lâu, chẳng bao giờ cần một dấu hiệu gì hay phép lạ nào bên ngoài, để vượt qua cái nhị nguyên không hề có thật.”
“Hô”, Buddhaguhya gọi lớn. Ông nhảy một cái từ dưới đất lên, nuốt cục dầu đã khô, vứt cánh hoa héo qua một bên, lấy râu tóc chùi bụi tượng Văn-thù và đi ra khỏi cửa… Ông đi, tự do như gió trời. Dưới mỗi bước chân, đất rung chuyển như bão táp.
Các vị đạo sư vĩ đại đều đi như thế cả.
- Tác giả : Surya Das
- Dịch giả : Nguyễn Tường Bách
*
PHỤ CHÚ
(16) Văn-Thù Sư Lợi (Manjusri): Bồ-tát tượng
trưng cho trí tuệ, một trong những vị Bồ-tát quan trọng của Phật
giáo. Lần đầu tiên được nhắc đến trong tác phẩm Ayamanjusrimulakalpa
thuộc thế kỷ IV. Tranh tượng trình bày Văn-thù với lưỡi kiếm và
kinh Bát-nhã Ba-la-mật. Người ta xem đó là biểu tượng trí
tuệ phá đêm tối của vô minh. Ngài được xưng tán trước
khi hành giả nghiên cứu kinh điển, nhất là kinh
điển thuộc Trung Luận tông. Ngài tượng trưng cho kinh
nghiệm giác ngộ. Ngài cũng xuất hiện dưới dạng phẫn nộ, có
tên là Yamantaka (Kẻ chiến thắng thần chết), có dạng vị thần đầu bò. Đây là
dạng thần bảo hộ Yidam quan trọng của Gelugpa. Trong Phật giáo
Tây Tạng, các vị luận sư xuất sắc như Tsongkhapa thường được xem là
một hiện thân của Văn-thù.
*