SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH
*
Jomo Manmo, nữ thần ngủ quên
Jomo Manmo lúc còn nhỏ chuyên giữ đàn bò cho cha và làm những việc cực khổ nhất trong nhà, không chút than vãn. Có thế nàng mới thỉnh thoảng làm bà mẹ ghẻ vui lòng được.
Vào một buổi sáng mùa xuân êm dịu, lúc Jomo Manmo vừa lên mười ba, nàng lùa bò ra sau một đồng cỏ, ngồi nghỉ trên một phiến đá. Bỗng nàng lạc vào một giấc ngủ say.
Nghe một tiếng ca nhẹ nhàng, nàng thức dậy đứng lên. Tiếng ca phát ra từ một hốc đá gần đó, trong lúc nàng ngủ, không hiểu sao động đá đã mở cửa.
Nàng ngạc nhiên nhìn xung quanh. Xung quanh có một thứ ánh sáng kỳ diệu. “Hay ta lạc vào cõi thiên thai?”, nàng vui mừng tự nhủ. “Không chừng ta chết rồi và sinh vào cõi Phật?”
Nàng nhẹ nhàng đi vào trong động. Trong bóng tối của động, nàng thấy một nhóm nữ thần đang hành trì nghi lễ Mật tông. Xung quanh các vị nữ thần Dakini đó toàn là tay chân xác chết, và thú dữ đang giành nhau ăn thịt. Không hề sự hãi hay khước từ, Jomo Manmo bước tới. Vị nữ chúa của Dakini, một vị nữ thần đầu heo, mõm nhỏ giải, cũng bước một bước về phía nàng.
“Tới đây và đùa giỡn với chúng ta!”, vị thần nói. “Ngươi có biết chăng, từ lúc mới sinh, ngươi đã thuộc hàng các thần thiên giới, như tất cả phụ nữ?”
Jomo Manmo im lặng không nói.
“Ha, ta thấy ngươi chưa rõ cái tự tính không ô nhiễm của chính ngươi. Hãy xem đây…”
Trước mắt nàng, nữ thần đầu heo bỗng biến thành vô sắc, không hình tướng. “Ngươi hoàn toàn tự do, từ vô thủy, ngươi đã hoàn toàn tự do, không bị trói buộc gì cả”, nàng nghe tiếng nói của vị vô sắc đó. “Hãy có cam đảm mà thể hiện sự tự do đó, đừng ngần ngại gì cả. Toàn vũ trụ là thân ngươi, mọi chúng sinh là tâm trí ngươi! Hãy nhớ tới cái trí tuệ uyên nguyên, trí đó ngươi đã mất lúc vừa sinh ra”.
Vị thần vô sắc lấy lại hình tướng, rút một cuốn sách nằm dưới một tảng đá và đặt lên đầu Jomo Manmo. Trong giây phút đó, cô bé mười ba tuổi bỗng tràn đầy một tri kiến kỳ lạ, bị ném vào trạng thái của tự tính, nữ chúa đã đưa nàng lại trạng thái của chân như giác ngộ, mà thật ra nó không hề lìa con người.
Cuốn sách này mang đầy những văn tự cổ xưa và được đưa tận tay cho Jomo Manmo, nhờ nàng đem về cho thế giới loài người. Trước khi nàng rời động, nữ chúa trí huệ nọ nói thêm: “Ngươi sẽ giác ngộ và nhờ sách này mà ngươi sẽ giác ngộ rất sâu xa, và ngươi sẽ dạy lại cho hàng hậu thế.”
Ngày hôm đó, Jomo Manmo bắt đầu có thái độ lạ lùng, so với người đời, như các vị Toàn năng sống trước nàng thường có. Nàng không còn phân biệt điều gì nữa, tất cả đối với nàng đều thanh tịnh và thánh thiện; đối với mọi thứ nàng không khởi tâm tham cầu hay chối bỏ, mọi thứ mà chúng ta thường gọi là tốt xấu. Nàng không thấy mình bị ép uổng điều gì và sống tự tại như một con chim trời.
Không bao lâu sau, trong làng người ta đồn rằng nàng ngủ quên bên cạch một cái hang đá của Liên Hoa Sinh (12) ngày xưa. Hang đá đó ngày trước đã bị sập nhưng nay đã tìm được lối vào. Truyền thống Tây Tạng vẫn xem hang này là nơi gặp gỡ của thiên nhân, của người học đạo và của ma quái; và vì vậy Jomo Manmo có danh hiệu là “người bị quỉ vương ám ảnh”.
Nhưng cuốn sách, mà nàng mang về chứa đựng nhiều mật pháp của Liên Hoa Sinh, đó là vị đại sư vô thượng của giáo pháp Đại Thành. Cách đây hàng trăm năm, cuốn sách đó do vị học trò nữ xuất chúng của Liên Hoa Sinh là Yeshe Tsogyal giấu dưới hốc đá, để chính bà, trong một hậu kiếp tức là Jomo Manmo tự tay tìm lại. Trong tay của Jomo Manmo, cuốn sách trở thành phương tiện giải thoát cho vô số chúng sinh, có tên là “Tập hợp bí mật của các nữ thần Dakini”.
Những năm về sau, Jomo Manmo chọn vị đạo sư Chowang làm bạn đồng hành và truyền bá giáo pháp siêu việt đó một cách khôn khéo tuyệt vời. Tới năm 36 tuổi, bà thực hành diệu pháp với hai nữ tu sĩ khác trên một ngọn núi lạnh lẽo của miền Trung Tây Tạng. Các người chăn thú tò mò thấy ba người đàn bà leo lên núi, họ nhìn theo xem ba người này làm gì. Theo lời kể lại thì ngay lúc đó, cả ba đều giơ tay ra và đâm người xuống núi. Nhưng họ không hề rơi xuống vực mà lại bay vào trong trời cao vô tận và không bao giờ trở lại nữa.
Các lời giáo hóa của Jomo Manmo không bao giờ bị quên lãng, ngày nay vẫn còn được truyền lại.
- Tác giả : Surya Das
- Dịch giả : Nguyễn Tường Bách
*
PHỤ CHÚ:
(12) Liên Hoa Sinh: Padma Shambhava, sống cùng thời với vua Tây Tạng Trisong Detsen (755-797), là một nhân vật lịch sử, người sáng lập Phật giáo Tây Tạng. Ngài sáng lập Nyingmapa, được đệ tử gọi là đức Phật thứ hai. Ngài có nhiều thần thông nhiếp phục ma quái và thiên tai. Cách tu hành của ngài rất đa dạng, từ sử dụng phurbu đến tu tập các phép thiền định. Ngài thuộc dòng các vị đại sư Đại Toàn Năng (mahasiddha), để lại rất nhiều thần thoại. Ở vùng Himalaya, người ta gọi ngài là Guru Rinpoche (đạo sư quý báu). Tương truyền Liên Hoa Sinh được sinh ra tại Tây-bắc Kashmir, sớm thông làu mọi kinh sách, nhất là giáo pháp Mật tông (tantra). Vào thế kỷ VIII, ngài đến Tây Tạng, chống lại ma quỷ thiên tai và ảnh hưởng của giáo phái Bon. Ngài cho xây tu viện Samye năm 775 và thời gian hoạt động của ngài tại Tây Tạng xem như chấm dứt tại đó, nhưng có nhiều tài liệu cho rằng ngài ở Tây Tạng lâu hơn nhiều. Liên Hoa Sinh truyền giáo cho 25 đệ tử, trong đó có nhà vua Tây Tạng, quan trọng nhất là bí lục về “Tám tuyên giáo”. Ngoài ra ngài còn để lại nhiều kinh sách giấu trong rừng núi (terma) và chỉ được khám phá vào thời điểm nhất định. Học trò quan trọng và là người viết lại tiểu sử của ngài là bà Yeshe Tsogyal.
*