SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH
*
*
Đạo sư đốt trầm
Cách đây vài ngàn năm có một vị thánh tên là Vipasyi, sống tại Ấn Độ. Lúc còn tại thế, ông đã ngộ Niết-bàn và từ đó không hề quan tâm đến đời sống vật chất, thân thể. Ông không quan tâm mình đói hay no, không cần biết mùa mưa có mái nhà che thân hay không, cũng không cần biết mình đang sống hay chết. Lúc giác ngộ, ông đã đạt điều đáng mơ ước nhất và vì thế ông ngồi yên trên một tảng đá, không kể mưa nắng, không động đậy một ngón tay ngón chân, không chịu làm gì cả.
Từ Vipasyi phát ra một năng lực êm dịu, một trí huệ rực sáng và lòng từ bi mà ai cũng cảm thấy, nên có nhiều người đến với ông. Vì Vipasyi cho phép ai cũng được tới gần, không phân biệt tốt xấu hay dở, nên nhiều người quý trọng ông, dâng tặng nhiều thứ như thực phẩm, y phục, thậm chí cho cả lâu đài để ở, cho nên cuối cùng cái gì ông cũng sẵn có mà không cần phải làm gì cả.
Một thương nhân giàu có tên Njemy đến với Vipasyi, mang theo thức ăn hảo hạng và nói: “Con xin mời ngài và các đệ tử ở trong nhà con ba tháng, mỗi ngày xin cúng ba bữa ăn nóng. Xin hãy cho con làm điều nhỏ mọn này, vì được nhìn vào mắt ngài thì cái gì con cũng sẵn sàng cả”.
Vipasyi, người vô sở cầu, gật đầu chấp nhận. Lúc đó có một vị sứ giả của nhà vua vừa đến và nói: “Khoan đã, hỡi ngài Vipasyi. Hoàng thượng gửi con đến để đưa ngài vào cung điện. Nơi đó ngài và hàng trăm đệ tử có thể vui sống và thiết lập cả một tu viện nếu ngài muốn. Ngài sẽ được tiếp đãi một cách vương giả, ăn mặc sang trọng. Hãy đi với con, kỵ mã đang chờ”.
Vipasyi mỉm cười lắc đầu: “Hãy báo Hoàng thượng, ta xin cảm ơn, nhưng ta hứa sẽ ở với thương gia nọ ba tháng rồi. Hãy báo rằng, lòng hào hiệp của nhà vua sẽ tác động lại tốt đẹp, không kể giúp cho ta hay ai khác”.
Nghe lời này, vua có cảm giác bị thương nhân nọ cạnh tranh. Ông gọi các cận thần và hỏi: “Có một thần dân nhanh tay hơn ta. Tên thương nhân Njemay đã lấy mất cơ hội được phục vụ bậc giác ngộ Vipasyi, khiến ta mất dịp vun trồng công đức. Ta phải làm sao bây giờ?”
Một cận thần gian xảo hiến kế: “Thần có một giải pháp rất hữu hiệu. Với sự đồng ý của bệ hạ, thần cho cấm ngay việc buôn bán củi gỗ. Tên thương nhân nọ sẽ không có củi đâu mà nấu bữa ăn nóng của nó. Còn hoàng gia chúng ta sẽ sẵn củi lửa, nấu ăn cho cả đạo quân còn được”.
Vua nói: “Thật là ý kiến hay. Ta chỉ lo, không biết làm như thế có tạo được công đức hay không? ”. Các vị thần khác cũng lắc đầu lo ngại. Một vị khác nói: “ Tại sao chúng ta không làm như Vipasyi căn dặn, hãy tìm một vị đắc đạo khác, ta sẽ cúng dường cho vị đó thì công đức nhà vua cũng được vun bồi vậy”.
Cuộc thảo luận diễn ra sôi nổi nhưng tính lại trong cả nước chỉ có Vipasyi xem ra là đắc đạo nhất, nên cuối cùng ngay đêm đó vua ban lệnh cấm không được buôn bán củi gỗ.
Một thời gian sau, khắp nơi đều đồn đại rằng nhà vua đã mất trí mới ra lệnh cấm buôn bán củi gỗ. Và mọi người cũng nhận thấy thấy rằng chỉ có thương nhân Njemay là bị binh lính nhà vua canh gác cẩn mật. Khắp nơi, người ta cứ đốt lửa nấu ăn như thường, chỉ có Njemay và khách mời là Vipasyi phải ăn rau cải sống. Đối với vị Phật đắc đạo này thì điều này không đáng vui, chẳng đáng buồn; ông không có ý kiến gì cả, nhưng Njemay lại có sáng kiến độc đáo. Njemay ra chợ và mua của một bà già toàn bộ trầm hương. Chồng bà này chết trước đó không lâu. Ngoài ra, ông còn đặt hàng, nhờ bà cung cấp thật nhiều trầm, bao nhiêu cũng được. Ông sẽ mua hết trầm đến hết đời của bà và trả giá rất cao. Bà già hầu như muốn khóc trước hạnh phúc to lớn này và ca tụng tên tuổi Njemay, đến nỗi các thương nhân khác cũng tụ tập quanh Njemay và không tiếc lời ca ngợi ông.
Bị binh lính nhà vua theo dõi với cặp mắt nghi ngờ Njemay về nhà và dùng lửa trầm hương nấu ăn. Ông đốt từng thỏi trầm lớn và nấu một bữa ăn tuyệt diệu, dọn ra trong lá chuối cho Vipasyi và đệ tử. Sau khi đọc lời cầu nguyện dùng bữa, Njemay nói: “Thật là một vinh dự cho con, được phục vụ bữa ăn cho đạo sư. Nhưng con mong tới ngày, không phải chỉ dọn bữa mà ngày đó đạt được chính tri kiến, và giúp được mọi loài hữu tình chỉ với sự hiện diện và trái tim nhân hậu của mình”.
Ngày qua ngày, khói trầm hương bay khỏi bếp của Njemay, truyền đi khắp nơi, lan cả qua thành phố bên cạnh, ngày nay trở thành một thành phố hành hương. Khi nhà vua nghe tiếng lành của thương nhân này, ông nghĩ lại và cho vị cận thần thôi việc, người đã khuyên răn ông những điều không hay. Ông cũng nhường lại ngôi cho con, không trị vì nữa. Còn Njemay thì học hỏi được rất nhiều nơi vị Phật đã sống trong nhà ông ba tháng và được phục vụ các bữa ăn nóng. Njemay được tái sinh trong một cõi trời mang tên là A-la-hán Anga, “đạo sư đốt trầm”. Tranh tượng thường vẽ ngài trên tay cầm trầm hương. Người ta nói rằng ai thấy hình ngài, đụng tới tượng ngài hay chỉ nhắc đến tên ngài là đã được lợi ích. Kẻ nào tha thiết theo con đường tu học mà ngài đã đề ra, kẻ đó sẽ luôn luôn hưởng một mùi trầm nhẹ nhàng.
- Tác giả : Surya Das
- Dịch giả : Nguyễn Tường Bách
*
CÚNG RẰM THÁNG 11 ÂL