SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH
*
*
Trí huệ cũng có thể “lây truyền"
Vùng Kham tại miền Đông Tây Tạng cách đây không lâu chỉ là một nơi hoang dã. Nơi đó chỉ một số rất ít người sống, thỉnh thoảng lại đánh nhau đổ máu là chuyện bình thường. Nghịch lý thay, chỗ này vừa là nơi vũ lực trị vì, đồng thời cũng là một trung tâm của phát triển tâm linh, vì giữa sự yên lặng bao la của Hi-mã-lạp sơn thì ai cũng dễ rơi vào trạng thái đại định.
Patrul Rinpoche (8), một vị đại sư của dòng Đại Thành (9) hay đến vùng Kham này. Trên vùng núi non Markong, ngài ngồi thiền định, giữa các con đường trơ trọi, ở chỗ nối cuả hai bình nguyên, vì vậy đúng ngay nơi này cũng là nơi các bộ lạc thường đánh nhau.
Lần nọ, vị đạo sư định đi du hành suốt vùng, nhưng ngài bỗng cảm nhận được sự nóng bức của một năng lực hủy hoại, hai bình nguyên và các đỉnh núi xung quanh hầu như bị nhiễm độc vì vậy ngài quyết định đem tâm thức an tịnh của mình thể nhập vào các năng lực sân hận đó và xem cuối cùng điều gì xảy ra.
Patrul đốt một đống lửa nhỏ trên đường đi, nấu trà, ăn một ít thực phẩm đi đường và lúc cảm nhận có ai sắp đến, ngài liền nằm ngang đường để ai muốn đi qua đều phải bước qua thân ngài.
Không bao lâu cả hai phe đều nghe tin có một tên khùng nằm ngay trên đường và xem ra có vẻ muốn làm nhà ở lâu tại đó. Ba người kỵ mã mang đầy vũ khí được ra lệnh tới đường đèo đó, trừ khử tên khùng đó đi.
Patrul vừa nhóm lửa và nằm dài ra thì ba kỵ mã vừa tới. Họ nhảy xuống ngựa: "Ngươi điên chưa, hay ngươi bị ốm hay ngươi bị cùi? Ngươi nằm giữa đường như thế để truyền bệnh cho người khác chăng?”
“Đừng lo”, Rinpoche trả lời, mắt nheo nheo. “Như ta thấy thì các ngươi sẽ không được truyền. Ta đang ở trong tình trạng Bodhicitta (Bồ-đề tâm) và thứ này thì không truyền được cho quân đánh nhau như các ngươi đâu”.
Ba kỵ mã lắc đầu nhảy lên ngựa đi mất. Họ cũng thấy không thể gây đau đớm cho một lão áo quần rách rưới nhưng tốt bụng. Rồi như một phép lạ xảy ra, hiềm khích hàng chục năm giữa hai bộ lạc vùng Markhong bỗng nhiên được giải tỏa bằng một hiệp ước hòa bình, trước đó không ai dám mơ tới. Người ta kể rằng ba chàng kỵ mã đó được lão già phiêu bạt đắc đạo nọ “lây truyền" cho tâm Bồ-tát và cứ gặp ai lại lây truyền tiếp thứ “vi khuẩn” đó.
Không ai gặp lại người đã lây truyền “vi khuẩn hòa bình" đó nữa. Nhưng người ta kể rằng, ngày sau, Patrul Rinpoche, trong buổi hội họp với đông đảo những người tầm đạo, có nói: "Không chừng Bồ-đề tâm cũng có thể lây truyền, mặc dù ta phải thừa nhận rằng triệu chứng của Bồ-đề tâm ít khi được phát ra trọn vẹn”.
Người nghe biết rõ Patrul nói ý gì với từ "triệu chứng”: đó là tâm cảm thông và yêu thương, tâm đó nhận ra chính trái tim mình trong trái tim của mọi loài.
Sau đó, Patrul Rinpoche chấm dứt câu chuyện bằng lời cầu nguyện: "Mong thay Bồ-đề tâm vô lượng sẽ được lây truyền cho mọi loài, không sót loài nào”.
- Tác giả : Surya Das
- Dịch giả : Nguyễn Tường Bách
*
PHỤ CHÚ:
(8) Patrul Rinpoche : (1808-1887): Một trong những đại sư quan trọng nhất của Đại Thành Nyingmapa, học trò của Dodrup Chen. Học trò quan trọng của ngài là Jumi Pham Nam và Dodrup Chen thứ ba.
(9) Đại
Thành (Dzogchen): Giáo pháp chủ yếu của Nyingmapa. Giáo
pháp này được xem là Mật giáo cao nhất do đức Thích-ca
Mâu-ni chân truyền. Được gọi là “Đại” vì nó cùng tột, và “Thành” vì không
cần bất cứ phương tiện nào khác. Tâm thức vốn
luôn thanh tịnh, hành giả chỉ cần trực nhận điều đó.
Theo truyền thuyết, Dzogchen được Liên Hoa Sinh và Vimalamitra
đưa vào Tây Tạng trong thế kỷ thứ VIII, và sau đó được
Longchenpa tổng kết ở thế kỷ XIV. Cuối cùng tông
phái này được Jigme Lingpa kết tập và truyền đến ngày nay.
Nhạc Chú Đại Bi Tiếng Phạn
>> https://youtu.be/CYh-VBNMAU4
*