SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH
*
Làm sao cho phải
Tu sĩ Ấn Độ Srona là người rất chịu khó học tập thiền định. Ngày nào ông cũng nhập định, từ bỏ mọi tư tưởng và xúc cảm, tập nhận ‘cái không’. Tuy thế ông chẳng đạt được tiến bộ nào.
Ông càng tìm cách thư giãn thì lại càng căng thẳng. Ông càng muốn không nghĩ ngợi gì thì ý tưởng lại càng hỗn loạn. Cứ thế kéo dài, ngày nọ ông nghe nhắc đến đức Phật Cồ-đàm, một vị đạo sư của trời và người, một vị đã đạt mức thiền định cao nhất đang ở gần đó. Ông liền lên đường đi gặp Phật Cồ-đàm xin giúp đỡ.
"Chắc hẳn ông còn nhớ, lúc còn trẻ, ông là một nghệ sĩ chơi đàn Sitar, ông lên đàn như thế nào?” Phật hỏi ngay vì Ngài biết rõ quá khứ của người tới trước mặt Ngài.
“Ồ, tất nhiên rồi”, Srona bối rối trước cái nhìn của Phật. Phật mỉm cười nói tiếp: "Đàn muốn hay thì dây phải thật căng hay thật chùng?”
“Không quá căng mà cũng không quá chùng, bạch Thế tôn”, Srona trả lời.
“Sức căng cần thiết nằm đâu ở giữa hai thái cực. Thì cũng như thế, ngươi nên thực hành thiền định”, Phật nói tiếp, “Nằm chính giữa, một bên là sự chú tâm, bên kia là sự thư giãn, đó là bí quyết của trạng thái thiền định tỉnh giác, trong đó người vượt qua hoạt động của tư tưởng và rơi vào trạng thái của tâm thức uyên nguyên. Đừng quan tâm gì đến có kết quả hay không kết quả. Cứ tu tập, tu tập và tu tập rồi một ngày nào đó, ngươi sẽ tự tìm thấy cái ở giữa là chỗ nào cho ngươi”.
Lúc nữ thánh Tây Tạng Machig Labdron (14) nghe câu chuyện này bà đọc bài kệ:
“Hãy để mình rơi trong dạng tự nhiên
Của là-như-thế
Có ích gì khi thắt nút hư không?
Trước hết tập thư giãn với sự tỉnh giác,
Sau đó cũng bỏ luôn sự chú tâm
Và cuối cùng bạn không bám giữ bất cứ điều gì.
Hãy để mọi sự xảy ra
Thế nào cũng được,
Và hãy yên nghỉ trong dạng
Mà bạn vốn xưa nay đã nằm trong nó.”
- Tác giả : Surya Das
- Dịch giả : Nguyễn Tường Bách
*
PHỤ CHÚ:
(14) Machig Labdron (1055-1149): Nữ đạo sư Tây Tạng, được xem là người phát triển và hoàn thành phép tu Chod (xem thêm chú thích (23).
(23) Chod, phép
tu Tây Tạng, xem thân mạng và đời sống của mình như
vật thể cúng dường để giải thoát nghiệp lực. Phép này
thường được tụng niệm với chiêng trống và dựa trên quan
điểm Không tính của tư tưởng Bát-nhã. Được nữ đạo
sư Machig Labdron phát triển đầu tiên.
*
>> MỤC LỤC
*