SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH
*
Rầu rĩ cũng phải cười
Geshe Langri Thangpa sống cách đây khoảng tám trăm năm tại Tây Tạng và là một Lạt-ma thông thái của trường phái Kadampa (53), đây là trường phái được đạo sư Ấn Độ A-đề-sa (34) thành lập trước đó không lâu. Nguyên tắc của trường phái này là hết lòng phục vụ mọi người với lòng từ bi vô hạn, nhờ đó mà sự phân biệt giả tạo giữa "ta" và "người" một ngày nào đó sẽ tự biến mất.
Langri Thangpa cảm thấy trường phái này phù hợp với mình vì ông rất nhạy cảm và dễ dàng đặt mình vào tâm trạng của người khác, hầu như chính mình đang trong hoàn cảnh của người. Tuy nhiên cứ đặt mình vào cảnh khổ của người, ông càng buồn rầu theo. Lòng từ bi của ông lên cao đến nỗi ông rút vào núi để cầu nguyện, nhịn ăn và cảm nhận những gì chúng sinh đang đau khổ.
Bạn đồng tu khuyên ông: "Tất cả chỉ là một giấc mơ, giấc mơ này xuất hiện vì con người tự đồng hóa với một cái thân có sống, có chết, tại sao bạn lại quan tâm quá sức như thế?"
"Không đáng buồn sao khi tất cả các loài hữu tình hàng ngày phải chịu cơn ác mộng đó", vị Lạt-ma Langri Thangpa tự nói. "Đời sống trong vòng sinh tử này khi lên khi xuống, giữa cái hy vọng được thỏa nguyện và cái thất vọng cay đắng. Và tất cả nỗi khổ của cõi Ta-bà này là nỗi khổ của chính ta".
Ông được mệnh danh là "Người rầu rĩ thánh thiện". Ngày đó, ông trùm khăn trên đầu, như có tang và đi trong hành lang tu viện.
Nhiều tăng sĩ hỏi "Có ai chết chăng?" Ông lầu bầu trả lời "Nếu hỏi, có ai không chết chăng, xem ra thông minh hơn". Sau đó ông bỏ đi để tiếp tục thiền quán về cái khổ.
Lần khác, Langri Thangpa ngồi trước một cái bàn gỗ thấp, trên bàn đang có nhiều cơm. Ngửi có mùi thức ăn, một con chuột bò ra. Vị Lạt-ma đang trộn cơm với đá quí để làm Man-đa-la, đó là các đồ hình với ý nghĩa sâu kín mà ông thường dùng để thiền định.
Vị Lạt-ma ngồi yên lặng nên con chuột yên trí bò lên bàn. Con chuột ngửi nhằm một viên đá turquoise và tìm cách kéo viên đá đi. Nhưng con chuột quá nhỏ mà viên đá khá lớn, lại dính chắc vào cơm nên không sao kéo ra nổi.
"Bạn thân mến", ông nói, "Cái viên xanh xanh đó không phải là pho mát đâu, nó là một viên đá không ăn được, bỏ nó đi". Thế nhưng con chuột đã kéo viên đá ra được một nửa, nhưng không mang theo được. Langri Thangpa nhìn con chuột với cách nhìn của hiền nhân từng trải: “Sự cố gắng vô vọng này làm ta nhớ đến cuộc tranh đấu của người đời với vật chất. Làm được gì đâu khi chuyển vật chất từ nơi này qua nơi khác. Tưởng rằng làm xong việc, nhưng cuối cùng lại đổ nát, hoàn toàn vô ích".
Vị Lạt-ma nghĩ đến đó thì con chuột biến mất và không thấy ra nữa. Ông đang tiếp tục hoàn thành Man-đà-la thì bỗng nhiên con chuột lại xuất hiện, lần này có thêm một con nữa. Hai con xúm nhau kéo viên đá ra khỏi đống cơm, một con kéo, một con đẩy, và cuối cùng chúng biến mất với chiến lợi phẩm.
Langri Thangpa cười to tiếng, từ nhiều năm nay ông mới cười. Tiếng cười của ông bất ngờ và đầy nhân hậu, mặt ông sáng lên như mặt trời vừa mọc.
Ông thốt lên thành tiếng: "Mong sao chúng sinh trong vũ trụ muốn gì được nấy."
Cộng Hòa Liên Bang Đức, tháng giêng 1997
Nguyễn Tường Báchdịch
*
- Tác giả : Surya Das
- Dịch giả : Nguyễn Tường Bách
*
PHỤ CHÚ
(34) A-đề-sa (Atisha) 980-1055: Luận sư chuyên nghiên cứu các phương pháp chứng ngộ Bồ-đề tâm (Boddhicitta). Là tổ của dòng Maghada và thuyết sư tại Đại học Vikramashila. Ông được mời qua Tây Tạng và sống ở đó 12 năm cuối đời mình.
Ông là người sáng lập trường phái Kadampa, gây ảnh hưởng lên Phật giáo Tây Tạng, nhất là dòng Tsongkhapa. Đệ tử quan trọng nhất của ông là Dromton.
Thế kỷ X được xem là thời đại truyền pháp lần thứ hai từ Ấn Độ qua Tây Tạng, thông qua dòng vua miền Tây Tây Tạng.
Lúc đầu nhà vua cử sứ giả qua Ấn Độ thỉnh kinh, thí dụ dịch giả Rinchen Sangpo. Về sau nhà vua mời hẳn luận sư Ấn Độ qua Tây Tạng, và đó là Atisha.
Năm 1042 ông đến Tây Tạng, sống ở Netang và bắt đầu công cuộc giáo hóa. Trong tác phẩm Bodhipattapradhipa (Bồ-đề đạo đăng luận) ông trình bày toàn cảnh giáo pháp Đại thừa và chia hành giả theo ba căn cơ: loại người mong được tái sinh nơi tốt lành; loại người tu vì sự giác ngộ của chính mình (Tiểu thừa); và loại người tu vì sự giác ngộ của tất cả chúng sinh (Bồ-tát).
Công trình chính của Atisha là xếp đặt thứ tự Kinh sách, không phổ biến bừa bãi. Ông là người đưa Tara trở thành một vị thần bảo hộ quan trọng của Tây Tạng. Trong các tác phẩm của mình, Atisha thống nhất hai trường phái chính của Bát-nhã Ba-la-mật: quan điểm tánh không của Long Thọ và tính bao trùm của tâm thức giác ngộ theo Vô Trước.
(53) Kadampa : Nguyên ngữ là “khai thị bằng lời”, một tông phái của Phật giáo Tây Tạng do đại sư Atisha sáng lập. Tông này chủ trương tái lập Kinh điển sau khi thấy Phật giáo suy tàn ở Tây Tạng vào thế kỷ X. Giáo pháp quan trọng nhất được gọi là Lojong (sám hối). Tông này không còn truyền đến ngày nay, nhưng giáo pháp lại được các tông phái khác hấp thụ, nhất là Gelugpa. Đóng góp lớn nhất của Kadampa vào Phật giáo Tây Tạng là một số phép tu thiền, hay còn gọi là phép sám hối. Phép này dựa trên quan điểm Bồ-tát đạo, và được xem như một pháp tu để phát triển Bồ-đề tâm. Trong thời Atisha, phép này chỉ truyền miệng, về sau mới ghi lại. Hai văn bản quan trọng nhất là “Tám câu sám hối” của Kadampa Geshe Langri Thangpa và “Bảy ý nghĩa của sám hối”.
WP: Chúc Huy
Nguyễn minh Hoàng
*