Sunday, January 8, 2023

84- Nhân Quả

 SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH

*

*

 Nhân quả

    Trong các chuyến du hành, Patrul Rinpoche (8) vốn là kẻ không nhà, thường lưu trú trong các tu viện có tiếng của Tây Tạng để truyền giáo pháp Đại ThànhMục đích càng gặp được nhiều người căn cơ càng hay.

    Lần nọ, ngài ở lâu trong tu viện cổ nổi tiếng Katok, mỗi ngày ngài hội họp với các vị Lạt-ma và trả lời tham vấn. Sau buổi sáng nọ, vị đại Lạt-ma Katok Situ của viện mời ngài gặp riêng và dùng bữa trưa.     Katok Situ lấy làm hân hạnh được gặp riêng vị đạo sư phiêu bồng này, để được chỉ cho ngài các bảo vật của tu viện. Như một đứa trẻ con, Patrul ngạc nhiên nhìn quanh và nói “Thật khó tin, ở đây thật là xa hoa! Katok Situ, tu viện của ngài có lẽ là viện giàu có sang trọng nhất mà tôi đã từng thấy. Trong mỗi phòng có da hổ da báo, thảm lụa vàng bạc, áo quần, đồ cổ, hộp đựng châu báu… Và đất đai của viện nhìn ngút mắt, và những đàn trâu bỏ không thể kể hết. Tôi có cảm giác như lạc vào cõi thần tiên. Trên đời này thật khó có. Thật đáng nể sợ…”

    Không nghe Katok Situ trả lời, Patrul Rinpoche nói tiếp “Còn tôi, tôi chỉ có một cái nồi nhỏ nấu trà trên đường phiêu bạt. Tôi nghe ngài sắp đi miền Đông. Hay là ngài cho gói cái nồi của tôi theo, và tôi đi cùng? Tôi thì thích đi tay không cho khoẻ.”

    Sau khi Patrul rời tu viện, Katok Situ họp các vị Lạt-ma và thông báo làm cả viện sửng sốt, là ông sẽ từ chức đại Lạt-ma để rút vào rừng núi sống độc cưtừ bỏ mọi của cải. Katok Situ đã hiểu những lời khuyên kín đáo của vị tu sĩ phiêu bồng giác ngộ đó.

    Sau đó Katok Situ một mình đi đến vùng băng giá Dokham, là một thánh địa của dân Tây Tạng. Đến đó, ông cũng giống như mọi kẻ ăn xin hay tầm đạo khác, phiêu bạt rách rưới, với một bình bát bằng gỗ. Ông vừa đi vừa trộn các thứ xin được trong bình.

    Một ngày nọ, Patrul Rinpoche nhận được một mảnh giấy của Katok: “Cám ơn ngài, tôi đã chân thành nghe lời ngài. Tôi đang thiền định.”

    Patrul nói: “Đây này, đây là người thật sự lắng nghe những gì ta nói.”

    Vài năm sau, vị độc cư Katok đó ở vùng băng giá Dokham được một người đến thăm. Người đó mang theo một đứa bé gái. Đứa bé nói: “Chúng con đã nghe danh ngài từ lâu, chúng con đến để xin ngài ban phước.”

    Katok Situ ban phép lành cho hai người, sau đó cô bé dâng tặng ông một bao bột gạo. Katok không còn cái gì đựng bột nên nói “Cứ đổ bột lên trên nền đá, và như thế là tốt rồi.”

“Con xin ngài giữ nguyên bao bột, đó là dấu hiệu lòng cảm tạ của con,” cô bé nói. Giọng nói và thái độ của cô bé có cái gì đó làm Katok chú ý. Ông lựa các phẩm vật của những kẻ hành hương khác dâng tặng để vương vãi trước cửa động, lấy một sợi chuyền vàng với hột đá quý đưa cho cô bé.Tất nhiên là cô bé không nhận châu báu này của một vị tu sĩ nghèo nàn, nhất là khi cô thấy hột đá quý là loại ngọc Achat có sọc, đó là thứ mà dân Tây Tạng rất quý.

    “Cứ lấy đi, con phải nhận quà tặng của ta và mang vào cổ,” Katok yêu cầu. “Mỗi ngày con phải mang.”

    Cô bé vẫn lưỡng lự cho đến khi tu sĩ độc cư nói “Con không hề biết ý nghĩa của sự trao qua đổi lại này.” Lúc đó thì cô mới nhận, mang sợi chuyền với viên ngọc quý trên cổ, và nhận phép lành của Katok thêm một lần nữa.

    Cuối buổi hành hương, cô bé về lại nhà. Cô ở không xa một vị đạo sư giác ngộ khác, đó là Jamyang Khyentse Wangpo (19). Vì là cháu gái của ngài, nên cô hay đến thăm và học hỏi. Ít lâu sau người ta kể rằng vị sư độc cư ở Dokham đã từ trần. Cô bé nghe xong khóc ròng như khóc người thân nhất vừa qua đời. Chỉ khi rờ viên ngọc quý trên cổ, cô mới có niềm tin, có cảm giác như một sức mạnh vô hình nào an ủi.

    Thời gian trôi qua, và cô bé lấy chồng, người thiếu phụ đó sinh một con trai, và trong những năm sau, đứa con đó giải thích với mẹ một cách rõ ràng rằng, nó không ai khác hơn là sự tái sinh của vị hiền nhân Katok Situ. 

  • Tác giả : Surya Das
  • Dịch giả : Nguyễn Tường Bách

Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a15207/su-tu-tuyet-bom-xanh-the-snow-lion-s-turquoise-mane-surya-das-nguyen-tuong-bach-dich

*

PHỤ CHÚ:

(8) Patrul Rinpoche (1808-1887): Một trong những đại sư quan trọng nhất của Đại Thành Nyingmapa, học trò của Dodrup Chen. Học trò quan trọng của ngài là Jumi Pham Nam và Dodrup Chen thứ ba.

(19) Jamyang Khyentse Wangpo (1820-1892): đạo sư miền Đông Tây Tạng.

 MỤC LỤC

*

Nhạc Chú Đại Bi Tiếng Phạn

Source >> https://youtu.be/CYh-VBNMAU4



*