SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH
*
“Tôi không cần gì cả”
Cho dù ngài đến bất cứ nơi nào, Patrul Rinpoche (8), vị đại sư của phái Đại Thành, luôn luôn nhận được nhiều phẩm vật cúng tặng. Một khi nhận được phẩm vật gì, ngài thường tặng ngay cho các thợ đẽo đá, thợ thủ công, để họ có thể khắc thần chú, xây chùa tháp với các vật đó. Ít ra là họ cũng làm điều gì có ý nghĩa.
Patrul Rinpoche thường đọc câu:
“Đối với kẻ nghèo nên rộng rãi,
Đối với kẻ ác nên kiên nhẫn từ bi.
Đối với người đau đớn, sợ hãi, nên sẵn sàng giúp đỡ,
Đối với vô minh nên có lòng tha thứ.
Đối với kẻ yếu kém nên có lòng cảm thông,
Đối với những kẻ còn bám víu cuộc đời giả tạm này,
Nên có lòng từ bi vô lượng.”
Học trò của Patrul để ý thấy rằng những lúc bố thí cho ăn xin, xem ra vị đạo sư mình còn vui mừng hơn cả chính người ăn xin. Và họ cũng để ý Patrul thích nghe tiếng kêu van ăn xin hơn cả âm nhạc hay những lời tham vấn lễ độ.
Lần nọ một người thợ đẽo đá thất nghiệp, tên Phukop đến gặp Patrul và xin tiền. Patrul bảo: “Khổ thân anh, bây giờ anh hãy nói ‘Tôi không cần tiền’, thì ta sẽ cho anh một số tiền lớn.”
Người nọ nghĩ “Không biết lại trò gì đây!” nhưng không nói ra.
Patrul phải nhắc ba lần điều kiện lạ lùng đó thì Phukop mới chịu nói “Tôi không cần tiền.” Sau đó Patrul rút tiền vàng trong túi ra và cho người thợ.
Học trò của Patrul rất ngạc nhiên về hành động kỳ quái của thầy. Thường thường thầy mình rất rộng rãi, bố thí không chút điều kiện, không bỏ một người ăn xin nào. Họ hỏi Patrul hành động đó nhằm mục đích gì, thì vị đạo sư kể câu chuyện như sau:
Có lần một người nọ rất nghèo, đến cúng Phật Cồ-đàm một ít bánh kẹo. Một vị bà-là-môn ham thức ngọt, nhìn bánh kẹo rồi hỏi xin Phật. Ông ta biết rằng Phật chẳng bao giờ từ chối.
Phật trả lời: “Nếu ngươi nói ‘Cồ-đàm, tôi không cần thứ đồ ngọt này,’ thì ta cho ngươi hết.” Vị bà-là-môn nọ vâng lời và được các thứ.
Lúc sau, A-nan hỏi Phật về mục đích câu chuyện, Phật nói: “Trong 500 kiếp vừa qua, vị bà-là-môn đó chưa hề có một lần thấy mình đầy đủ, chưa hề thấy mình không cần gì cả. Vừa rồi đó là lần đầu, có người chỉ cho ông nói câu đơn giản ‘Tôi không cần…’ để làm quen với cảm giác vô sở cầu. Nhờ thế mà lòng tham ái sẽ vơi đi và hạt giống xả bỏ đã được gieo.”
Sau lần đó, nhiều ngày qua không có kẻ ăn xin hay nghệ nhân thiếu thốn nào đến với Patrul cả. Vật phẩm cúng dường chất cao thành đống trong trú xá của Patrul và thực phẩm để lâu ngày cũng không còn tươi ngon. Bỗng nhiên, mặt Patrul tươi lên và nói: “À, bây giờ cả đám sắp đến rồi!”
Quả nhiên vài tiếng sau có bốn năm người thợ đẽo đá đến thăm, Patrul đã soạn sẵn tiền bạc, thực phẩm, và vật dụng nghệ thuật cho họ. “Đây, hãy lấy những gì mà các bạn cần!” Patrul nói trước khi các người đó mở miệng cầu xin.
“Hãy đẽo thần chú lên đá và làm cho cảm hứng các bạn được thành hình,” Patrul nói theo khi các người đó, túi đầy vật phẩm, bắt đầu xuống núi.
Sau đó Patrul quay lại nói với học trò: “May quá cũng xong các của cúng dường. Các thứ này nằm ngổn ngang như một thây ma.”
Tác giả : Surya Das- Dịch giả : Nguyễn Tường Bách
*
PHỤ CHÚ:
(8) Patrul Rinpoche (1808-1887):
Một trong những đại sư quan trọng nhất của Đại
Thành Nyingmapa, học trò của Dodrup Chen. Học trò quan trọng của ngài là
Jumi Pham Nam và Dodrup Chen thứ ba.
*