Tuesday, January 10, 2023

86- Củ Cải của Saraha

 SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH

*


    Saraha đang rèn mũi tên, biểu tượng phương tiện dẫn đến chân lý. (Ngoài ra từ Sara có nghĩa là "mũi tên").   Nguồn Hình : >> VIETBUDDHISM.COM > trang 214

*

Củ cải của Saraha

    Tu sĩ Saraha (51) Ấn Độ sống ở thế kỷ thứ III, vừa được tôn thờ như một anh hùngđồng thời có người cho ông là phù thủy. Saraha là tác giả của một tập các bài ca nổi tiếng, có tên “Các bài ca vương giả của Saraha”, ngày nay còn được truyền tụng. Sau này người ta mới thấy các bài ca này là tác phẩm tuyệt diệu của một tâm hồn đắc đạo.

    Như các tu sĩ Tantra trước và sau mình, Saraha thu nhận một thiếu nữ của giai cấp thấp nhất vào nhà mình, vì ông chẳng quan tâm gì đến các quy định của Ấn Độ thời đó. Ngược lại ông chỉ mong có dịp để phá các định kiến trên dưới, và vì thế nàng thiếu nữ 15 tuổi này không được ông thuê làm nữ tì, mà được ông chỉ dạy cho thực hành phép tu Tantra, trong trường hợp này là phép giao phối, và được ông biến thành vợ.

    Ta có thể tưởng tượng làng xóm, cũng như giai cấp bà-la-môn hồi đó xôn xao thế nào khi ông và nàng vợ trẻ biến mất vào rừng không còn cho ai gặp mặt. Còn nàng thiếu nữ đó cũng say mê ông ngay từ lúc mới gặp, vì nhờ ông mà nàng thoát khỏi giai cấp bần cùng nô lệ. Nàng khuyên chồng cứ thực hành các phép tu thần bí, không cần quan tâm đến sự hiện diện của nàng, và nàng không có gì mong ước khác hơn là được phục vụ một người giác ngộ, và được học hỏi nơi chồng.

    Cả hai sống viễn ly như thế trong rừng già Ấn Độ, như các vị tu sĩ Tantra khác, với người phối ngẫu của họ. Họ thiền quánthực hành phép yoga của sự giao phối xuất thần, và đối xử với nhau bằng lòng kính trọng cao cả. Saraha cũng chịu khó làm các công việc mà vợ mình không làm được, nhưng nói chung nàng phục vụ chồng như một học trò phục vụ vị đạo sư.

    Ngày nọ, người thiếu phụ mang cho chồng một món ăn và câu chuyện sau đây xảy ra, đi vào lịch sử của Saraha. Thường thì ông hay ăn tất cả những gì dọn lên, không quan tâm đến món ăn. Nhưng lần đó ông kêu lên “Dọn cho ta món cà-ri củ cải.” 

    Người vợ phải đi mua củ cải về nấu cà-ri, thêm sữa chua và dọn lên trong lá chuối. Sau đó nàng dâng lên nhưng Saraha ngồi yên, tréo hai chân lại, không phản ứng gì cả. Thì ra ông chồng đã nhập định rất sâu và không nghe thấy gì nữa từ thế giới bên ngoài. Nàng để chồng yên và lo việc khác.

    Thế mà 12 năm trôi qua, Saraha không hề nhúc nhích khỏi chỗ ngồi. Có lẽ ông xuất thần đi đâu rất xa, tuy thế vẫn không hoàn toàn rời thân. 

    Sau 12 năm và ba tháng, Saraha mở bừng mắt ra và kêu “Cà-ri củ cải đâu rồi?”

    Người vợ không biết nên cười hay khóc, và nói “Ông thật điên! Ông là một đạo sư kỳ dị. Cà-ri đã theo số phận của thế gian từ những năm trước, còn ông thì ngồi đây như một củ cải cắm xuống đất. Mười hai năm trôi qua rồi mà ông vẫn còn bám vào tư tưởng cũ rích sao?”

    Saraha không trả lời. Ông còn phải định thần lại. Nhưng người vợ, đã trở thành một nữ tu đầy tiến bộ trong thời gian qua, nàng nói tiếp, hai tay chống nạnh: “Mười hai năm qua, ông làm gì thế, có lẽ không phải là một phép thiền quán đích thực đâu. Kẻ du hành tư tưởng như ông, chưa chắc là đã thiền định đúng cách. Kẻ rút về sống độc cư, chưa chắc ở một mìnhĐộc cư đích thực chính là rủ bỏ mọi suy luận giải thíchtừ bỏ mọi cân nhắc nhị nguyên, và nếu chúng có dấy lên thì đừng có bám víu chúng. Còn ông, mười hai năm ông cứ chờ vài củ cải trong ảo tưởng. Thế mà ông gọi mình là đại toàn năng (52) sao?”

    Lời nói của vị thần phẫn nộ mang dạng người đó đánh trúng Saraha tận xương tủy. Cũng đúng lúc đó, ông thấy mình tỉnh giác hơn, hơn hẳn trước kia. Trong những năm sau, cả hai đạt một cấp mới về giác ngộ, không còn rơi trở lại trạng thái tầm thường của con người, và nhận ra mình chính là ánh sáng phát chiếu từ tự tính bất diệt.

    Đến lúc phải rời cõi thế, cặp vợ chồng này biến mình thành ánh sáng thanh tịnh và thể nhập vào tự tính, không để lại dấu vết nào của thân.

 

  • Tác giả : Surya Das
  • Dịch giả : Nguyễn Tường Bách

Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a15207/su-tu-tuyet-bom-xanh-the-snow-lion-s-turquoise-mane-surya-das-nguyen-tuong-bach-dich

*

PHỤ CHÚ

(51) Saraha, một trong các vị Đại toàn năng Ấn Độ. Tương truyền ông là con của dakini. Người ta kể ban ngày ông cử hành lễ bà-la-môn để kiếm tiền, ban đêm tu học Mật tông và hay uống rượu. Các truyện kể về ông đều nhắc lại truyện củ cải một cách thú vị. Trong các tranh tượng, người ta thường vẽ ông là thợ rèn mũi tên.

(52) Đại toàn năng (Maha siddha): Trong Kim cương thừa, đó là những vị khổ hạnh đã đạt giáo pháp tantra. Họ có siddhi đánh dấu giác ngộ. Người ta nhắc đến nhiều nhất 84 vị của thế kỷ thứ 8 đến 12 tại Ấn Độ, là những vị tu học khác hẳn truyền thống tu tập ở chùa Đại thừa. Đó là những vị nam nữ thuộc nhiều tầng lớp xã hội, để lại nhiều bài kệ đặc biệt. Ngày nay vẫn còn tiểu sử của các vị ấy trong Kinh sách Tây Tạng như Chatrapa người hành khất, Kantali thợ may, và Kumaripa thợ gốm. Người ta còn kể đến Indrabhuti và em gái Laksminkara, và luận sư Shantipa. Các vị có điểm chung là đều trải qua cơn chấn động lớn, gặp được khai thị của đạo sư và biến chấn động thành giải thoát. Các vị thường có thái độ khó hiểu và ưa dùng nghịch lý để diễn tả cái không thể lĩnh hội được của sự thật vô thường. Trong tiểu sử của vị đại toàn năng Tandepa, ta thấy sự hòa nhập của một cuộc đời tối tăm nhất và sự giác ngộ. Ông là người ham đánh bạc, phá tan gia sản và chỉ nhờ câu khai thị “Thế giới thật ra cũng trống rỗng như túi tiền của mình”, ông mới giác ngộ và đạt Niết-bàn. Tại Tây Tạng, truyền thống ca hát của các vị đại thành này được Milarepa và Drukpa Kunleg tiếp nối. Bài ca của người thợ rèn Saraha có đoạn: “Ai thấu hiểu rằng, đầu đuôi chẳng có tâm thức nào cả, người đó đã thực hiện tâm Phật ba đời.”

*



*