Saturday, October 15, 2022

SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH

 SƯ TỬ TUYẾT  BỜM XANH

THE SNOW LION'S TURQUOISE MANE

TRUYỆN CỔ PHẬT GIÁO TÂY TẠNG

NGUYỄN TƯỜNG BÁCH biên dịch

*


MỤC LỤC

*

LỜI NGƯỜI DỊCH

Tập sách bạn cầm trên tay là bản dịch Việt Ngữ của cuốn : The snow lion’s turquoise mane”. Cuốn sách này do Surya Das tập hợp các mẫu chuyện do các vị Lạt Ma Tây Tạng kể lại, được xuất bản năm 1992 tại Mỹ.

Các mẫu truyện ngắn nhắc nhở đến những chuyện liên quan đến các vị đạo sư, từ đức Thích Ca cho đến các vị hiện nay còn sống như Đạt-lai Lạt-ma. Phần lớn các mẫu truyện  này toát ra nhiều đạo vị, nhất là gián tiếp chỉ cho người đọc thấy triết lý của toàn bộ đạo Phật, đó là nhận chân ra rằng, mọi hiện tượng muôn hình muôn vẻ của tâm vật chẳng qua là biến hiện của tự tính  trong tâm thức mọi loài. Đó là tự tính vô thủy vô chung, bất sinh bất diệt, lại không hề rời xa con người, nhưng trực nhận ra điều đó là một quá trình tu học gian nan mà các mẫu truyện này cũng có nhắc đến.

Mặc dù mang nội dung phức tạp đến như thế, các mẫu truyện này lại hấp dẫn người đọc vì chúng nói về các nhân vật lịch sử, về những con người đã sống thật trên quả đất này. Các mẫu truyện này cũng thú vị ở chỗ chúng không giống như các mẫu truyện Thiền tông Trung Quốc vốn sau thẳm nhưng đầy tính nghịch lý khắc khổ, ở đây chúng mang đầy sự hóm hỉnh, tỏa ra một tấm lòng vô cùng thâm hậu.

Nếu nhìn sâu xa, các mẫu truyện này biểu lộ tính cách của Phật giáo Tây Tạng, mang nặng tính chất Mật tông, hay nói đúng hơn là Kim Cương thừa. Các mẫu truyện nhắc đến nhiều phép tu học kỳ bí, đến các đạo sư lạ lùng, các loại trì chú đặc biệt hay các thần thông khó tin. Thế nhưng, tất cả các phép tu đó đều là các cách tu học của Dzogchen (Đại Thành) hay Mahamudra (Đại Ấn quyết), đó là phép tu truyền tâm nhằm trực nhận Phật tính trong tâm thức, nếu so với Thiền tông Trung Quốc thì không hề khác.

Vì những lẽ đó, các mẫu truyện này vừa mang tính chính thống của đạo Phật, vừa thú vị với người đọc. Qua tập truyện này, người đọc sẽ hiểu pháp môn thì thật vô vàn khác nhau nhưng chúng chỉ muốn dẫn đến một tuệ giác duy nhất, thứ tri kiến nằm ngoài mọi ngôn từ, đó là chỗ đồng quy của mọi môn phái Phật giáo.

Xuất phát từ Ấn Độ, Phật giáo truyền qua được hai trung tâm lớn là Trung Quốc và Tây Tạng. Tại Ấn Độ, Phật giáo đã suy tàn, sau thế kỷ thứ 13 thì xem như không còn. Tại Trung Quốc, sau thời kỳ hoàng kim khoảng 5 thế kỷ, Thiền tông đã khô kiệt từ thế kỷ thứ 11. Ngày nay, trong thế kỷ 20 chỉ còn Phật giáo Tây Tạng là tiếp tục giáo hóa, và bất ngờ thay, đang có những phát triển mạnh mẽ tại phương Tây. Nguyên bản cuốn sách này là một trong vô số những kinh sách đang lưu hành.

Vì những lẽ đó mà người dịch không ngại khả năng hạn chế của mình, cố gắng dịch ra Việt ngữ để cống hiến cho độc giả Việt Nam. Ngoài nguyên bản cần phải dịch, chúng tôi đã đưa vào thêm một số hình ảnh, minh họa thêm cho câu chuyện. Phần lớn các hình ảnh này được trích từ “Buddhitische Bilderwelt” của Hans Wolfgang Schumann. Phần cuối cùng là “Chú thích của người dịch” do chúng tôi ghi thêm nhằm giúp người đọc tra cứu.

Nếu tập truyện này mang lại vài giây phút trầm tư an lạc cho người đọc thì đó là niềm vui cao quý cho người dịch.

                          Cộng Hòa Liên Bang Đức, tháng giêng 1997

                                         Nguyễn Tường Bách

Nguồn: >> Thư Viện Phật Giáo


*

Chú Đại Bi (Tiếng Phạn) >> https://youtu.be/CYh-VBNMAU4