SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH
*
*
Bức tượng biết nói
Kongpo là một tỉnh ở miền Nam Tây Tạng mà dân vùng đó có tiếng là đầy tín tâm và không mấy người có trình độ hiểu biết.
Trong số các tu viện Tây Tạng thì ‘Jokhang’ tại Lhasa là linh thiêng hơn cả. Trong viện có một tượng Phật rất xưa, trình bày Phật Cồ-đàm hồi còn niên thiếu và được mang tên là Jowo Rinpoche (Đức hạnh cao quý). Tượng Phật này được mang từ Trung Quốc qua Tây Tạng cả ngàn năm trước và là phẩm vật của một công chúa kết duyên với vua Tây Tạng thời đó.
Ben, một thanh niên vùng quê Kongpo, suốt đời mơ ước được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tu viện Jokhang, của tượng Phật linh thiêng nhất Tây Tạng. Một ngày kia, Ben được lên đường đi Lhasa để tận mắt chiêm bái thánh địa này.
Sau một chuyến đi khổ nhọc, cuối cùng Ben đến kinh đô Lhasa, đi như người mất hồn trong các con đường của ‘thành phố chư thiên’ này… nhìn thấy điện Potala (5), Ben thật là xúc động, đó là nơi mà đức Quán Thế Âm (6) đang hiện tiền dưới dạng của vị Đạt-lai Lạt-ma (7).
Đáng xem thay, dòng người vô tận đang đi vòng xung quanh điện Potala! Thật tuyệt vời, vẻ đẹp của điện Norbu Lingka, cung điện mùa hè của vị nguyên thủ quốc gia, với bao nhiêu chạm trổ và các bảo tháp đầy tính nghệ thuật. Cũng không được bỏ qua các tu viện đáng trọng nhất như Sêra và Drepung, nơi đào tạo Tăng sĩ. Ben tự nhủ thầm: ‘may mắn thay cho ta, đời ta còn có thể thấy được những nơi này’.
Sau đó Ben vào tu viện Jokhan, và kìa, tượng Jowo Rinpoche trong thế ngồi liên hoa, to như người thực, toả ra một cảm giác tôn quý thầm lặng mà vĩ đại.
Ben quỳ lạy trước bức tượng ba lần, nhưng lần nào hầu như cũng mắc kẹt với đôi ủng cũ kĩ, rồi chiếc mũ đầy bụi của Ben lại rơi xuống đất. Ben cởi ủng, cầm mũ, đặt lên lòng bức tượng đang mỉm cười yên lặng và nói: ‘Hỡi Jowo Ripoche, hãy coi chừng giùm các thứ này để cho con yên tâm chiêm bái tiếp’.
Ben đi chân không vòng quanh bức tượng vàng, vui thích ngắm hàng chục ánh đèn dầu trên bục tượng và đủ các loại bánh trái để bên cạnh. Ben cám ơn đức Phật toàn trí và dưới lòng từ bi toả sáng của Jowo Rinpoche, Ben mạnh dạn lấy bánh, nhúng vào dầu thắp đèn và ăn ngon lành.
Đáp lại lòng từ bi của Phật, Ben hứa lớn tiếng sẽ đón Phật bất cứ lúc nào tại Kongpo. Vì làm nghề mổ heo, Ben hứa sẽ mổ con heo mập mạp nhất, cho đủ thứ gia vị để chiêu đãi Phật. Ben đâu biết rằng đạo Phật chủ trương không giết hại loài vật và hoàn toàn tin rằng lời mời của mình sẽ được Phật nhận lời.
Ngay lúc đó thì cửa mở toang, vị sư già giữ đền bước vào. Vị sư đứng sững người nhìn đôi ủng dơ bẩn và chiếc mũ rách nát trên lòng đức Phật và nhìn thấy bột bánh đang dính vào râu của Ben.
Vị sư giận giữ chụp đôi ủng và chiếc mũ trên lòng tượng Phật, bỗng một tiếng nói huyền bí cất lên: ‘Dừng tay, các thứ này của đứa học trò yêu quý ở xứ Kongpo của ta!’
Vị sư run bắn người, đi lui mười bước. Ông nằm dài xuống đất và xin tượng tha thứ sơ xuất của mình. Sau đó ông rút lui, để Ben ở lại một mình trong phòng, để cho chàng thanh niên này tiếp tục nói chuyện theo cách riêng của anh ta với vị ‘Đức hạnh cao quý’.
Sau đó Ben về lại với gia đình tại Kongpo, nhưng tin đồn bức tượng nói chuyện với chàng đã về trước, nếu có ai hỏi gì về tin đồn đó, Ben chỉ nói lơ: “Ôi, thời buổi này chẳng biết tin nào đúng tin nào sai’.
Người ta đồn rằng, bức tượng quả nhiên đã nhận lời mời của chàng Ben thật thà và hiện ra trước mắt chàng trong một dòng suối gần nhà. Ben thò tay vào nước vớt tượng đi được một vài bước, nhưng cuối cùng vì tượng nặng quá nên Ben để Phật rơi xuống đất. Tượng chìm xuống đất cả thước và mọi người đều có thể chiêm ngưỡng bức tượng đó.
Đến ngày hôm nay, dân làng Kongpo vẫn còn đi quanh hố đất với dấu tích của Jowo đang mỉm cười và lạy tượng bằng cách cúi đầu sát đất. Tu viện Jokhang ở kinh đô Lhasa có thể rất xa nhưng người biết chuyện tin rằng vị ‘Đức hạnh cao quý’ thì ở rất gần họ.
- Tác giả : Surya Das
- Dịch giả : Nguyễn Tường Bách
*
PHỤ CHÚ:
5. Potala: Cung điện
của Đạt-lai Lạt-ma tại kinh đô Lhassa. Potala cũng là địa danh của trú xứ Quán
Thế Âm tại trung quốc (Phổ Đà Sơn)
6. Quán Thế Âm:
Một trong những vị Bồ-tát quan trọng nhất của phái Đại thừa. Quán Thế
Âm thể hiện lòng bi, một trong hai dạng của Phật tính.
Trong nhân gian ngài là vị bảo hộ tránh tai họa và
thường được phụ nữ hiếm muộn cầu tự. Trong các loại tranh
tượng về ngài, người ta thấy có 33 dạng, khác nhau về số đầu, tay và các đặc
tính. Thông thường ta thấy tượng ngài có ngàn tay ngàn mắt, có khi 11 đầu. Trên
bảo quan có hình Phật A-di-đà, xem như đặc điểm chính. Trên tay
có khi cầm hoa sen xanh, vì vậy ngài cũng được gọi là “người cầm
hoa sen” (Padmapani) hay nhành dương liễu và một bình cam lồ. Có người xem
đức Đạt-lai Lạt-ma là ứng thân của Quán Thế Âm Bồ-tát.
7. Đạt-lai Lạt-ma: Nguyên nghĩa là “đạo sư với trí huệ như biển cả”. Danh hiệu do nhà vua Mông Cổ Altan Khan phong cho phương trượng của trường phái Gelugpa (Hoàng mạo) năm 1578. Từ 1617, Đạt-lai Lạt-ma thứ năm trở thành người lãnh đạo chính trị và tinh thần của Tây Tạng. Kể từ đó, người ta xem Đạt-lai Lạt-ma là hiện thân của Quán Thế Âm. Mỗi một Đạt-lai Lạt-ma được xem là tái sinh của vị Lạt-ma trước. Đạt-lai Lạt-ma thứ sáu là vị có trình độ rất cao thâm và cũng là một nhà thơ. Vị hiện nay là vị thứ 14, sinh năm 1933, sống lưu vong tại Ấn Độ từ 1959 đến nay. Ngài là người lãnh giải Nobel hòa bình, đồng thời là người đại diện Phật giáo xuất sắc nhất hiện nay trên thế giới. Danh sách các vị Đạt-lai Lạt-ma: 1/ Gedrun Drub. 2/ Gendun Gyatso. 3/ Sonam Gyatso. 4/ Yonten Gyatso. 5/ Losang Gyatso. 6/ Jamgyan Gyatso. 7/ Kelsang Gyatso. 8/ Jampel Gyatso. 9/ Lungtog Gyatso. 10/ Tsultrim Gyatso. 11/ Kedrub Gyatso. 12/ Trinle Gyatso. 13/ Tubten Gyatso. 14/ Tenzin Gyatso
*