SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH
*
Kẻ phiêu bồng giác ngộ
Patrul Rinpoche (8) được xem là bậc thầy hiệu quả nhất của phái Đại Thành (Dzogchen) trong thế kỷ 18. Đại Thành (9) có nghĩa ‘Tri kiến trực tiếp về tự tính thanh tịnh’. Vì vậy Đại Thành không phải chỉ là một tông phái hay một phép tu, không chỉ là một dòng tái sinh, không phải chỉ là trạng thái đạt đạo. Đại Thành chính là tinh yếu của giáo pháp đức Phật. Vì lẽ đó mà Patrul Rinpoche được xem không phải chỉ là một vị đạo sư, thi sĩ hay nhà tiên tri, ngài cũng là một vị Phật hoàn toàn. Thực ra, người ta xem ngài là một trong những tái sinh của đức Quán Âm (6) mà người Tây Tạng gọi là ‘Chenrezig’: lòng đại bi.
Có lần trong một chuyến du hành Patrul Rinpoche gặp một nhóm Lạt-ma, các vị đó trên đường tham dự buổi lễ tại miền Đông Tây Tạng. Các vị Lạt-ma không nhận ra Patrul, thấy ngài trong bộ quần áo nhàu nát, với thái độ kiêm tốn, cho rằng đây cũng chỉ là một kẻ tầm đạo. Vì thế họ vui lòng cho Patrul tham gia trong nhóm, bắt nấu trà, nhóm củi và phục vụ các vị lớn tuổi trong đoàn.
Đoàn vừa đến vùng Kham thì có tin gần đó có một vị Lạt-ma cao cấp sẽ chỉ dẫn và khai thị cho đoàn. Nhóm Lạt-ma vội vàng lên đương để tham dự buổi lễ.
Tất cả Lạt-ma và cư sĩ được đưa vào ngồi theo thứ tự chính thức, người được ngồi trên ghế trọng vọng, kẻ phải đứng ở xa. Các vị Tăng mang nón mũ, áo quần, huy hiệu hết sức rực rỡ. Vị Tăng thống ngồi trên một bệ cao. Sau khi tiếng còi, tù và, chiêng trống dứt hẳn và phần nghi lễ đã qua thì mọi người hiện diện lần lượt đi qua trước vị đó để nhận phép lành và gửi nơi chân vị Tăng thống một tấm khăn trắng.
Trước hết vị Tăng thống đưa tay rờ đầu các người đi ngang. Về sau khi thấy đoàn người quá nhiều đi không muốn hết, ngài chỉ còn rờ đầu bằng một sợi lông công. Hàng giờ trôi qua, cuối cùng người còn lại là một kẻ quần áo lôi thôi, vốn đi nấu trà cho một nhóm Tăng sĩ không mấy quan trọng.
Vị Tăng thống bỗng mở mắt thật lớn nhìn con người có dáng vẻ phiêu bạt đang quỳ dưới chân mình. Nguời đó không ai khác hơn hính là một vị Phật đang hiện tiền,vị đạo sư Đại Thành (Dzogchen) Patrul Rinpoche độc nhất vô nhị và người đó lại đang xin phép lành của mình.
Vị Tăng thống nhảy ào từ trên cao xuống, nằm mọp dưới chân kẻ áo quần rách rưới. Đám đông hoảng hốt kêu lên sợ hãi, vị Tăng thống ngồi dậy, dúi vào tay Patrul Rinpoche sợi lông công rồi lại quỳ xuống. Patrul khoát tay từ chối, sau đó đưa tay nâng vị Tăng thống lên, không để cho vị này cứ quỳ lạy mình mãi.
- Tác giả : Surya Das
- Dịch giả : Nguyễn Tường Bách
PHỤ CHÚ:
(6) Quán Thế Âm: Một
trong những vị Bồ-tát quan trọng nhất của phái Đại thừa. Quán Thế
Âm thể hiện lòng bi, một trong hai dạng của Phật tính.
Trong nhân gian ngài là vị bảo hộ tránh tai
họa và thường được phụ nữ hiếm muộn cầu tự. Trong các
loại tranh tượng về ngài, người ta thấy có 33 dạng, khác nhau về số đầu,
tay và các đặc tính. Thông thường ta thấy tượng ngài có ngàn tay ngàn mắt,
có khi 11 đầu. Trên bảo quan có hình Phật A-di-đà, xem như đặc
điểm chính. Trên tay có khi cầm hoa sen xanh, vì vậy ngài
cũng được gọi là “người cầm hoa sen” (Padmapani) hay nhành dương liễu và một
bình cam lồ. Có người xem đức Đạt-lai Lạt-ma là ứng thân của Quán
Thế Âm Bồ-tát.
(8) Patrul Rinpoche (1808-1887): Một trong những đại sư quan trọng nhất của Đại Thành Nyingmapa, học trò của Dodrup Chen. Học trò quan trọng của ngài là Jumi Pham Nam và Dodrup Chen thứ ba.
(9) Đại Thành (Dzogchen): Giáo
pháp chủ yếu của Nyingmapa. Giáo pháp này được xem là Mật
giáo cao nhất do đức Thích-ca Mâu-ni chân truyền. Được gọi là
“Đại” vì nó cùng tột, và “Thành” vì không cần bất cứ phương tiện nào
khác. Tâm thức vốn luôn thanh tịnh, hành giả chỉ
cần trực nhận điều đó. Theo truyền thuyết, Dzogchen được Liên
Hoa Sinh và Vimalamitra đưa vào Tây Tạng trong thế kỷ thứ VIII,
và sau đó được Longchenpa tổng kết ở thế kỷ XIV. Cuối cùng tông
phái này được Jigme Lingpa kết tập và truyền đến ngày nay.
*
>> MỤC LỤC
*
Source (Nhật Kim Anh) : >> https://youtu.be/GBwTfUsW72A