Tuesday, October 18, 2022

2- Lời Nói Cuối Cùng Của Milarepa


 SƯ TỬ TUYẾT  BỜM XANH

*

Ngài MILAREPA (Hình  sưu tầm > Internet)

*

Lời cuối cùng của Milarepa 


    Jetsun Milarepa(1) là một vị Tăng phiêu bồng nổi tiếng nhất Tây Tạngđồng thời là một du ca. Ngài sống cách đây khoảng chín trăm năm trong một hang đá ở Hi-mã-lạp sơn và đặt những bài ca kệ một cách bất ngờ, không suy nghĩ, người đời sau viết lại thành sách và ngày nay, trong thế kỷ 20, sách này đã được in ra nhiều thứ tiếng, để lại cho chúng ta.

    Tương truyền rằng, Milarepa là người đạt giác ngộ hoàn toàn chỉ trong một đời làm người, và bằng cách tu tập thiền định trong một cuộc sống độc cư hàng chục năm trời.Trong thời gian tu tập ngài sống bằng một loại rau mọc hoang, ví vậy da ngài mang màu xanh. Vì lẽ đó mà học trò ngài, bên cạnh những cái tên tôn quý tặng ngài, còn gọi là ‘tu sĩ màu xanh’.

    Đạo sư của Milarepa có tên là Marpa (2), một nhà tiên tri nổi tiếng, đã từng thiền định mười bảy năm tại Ấn Độ và là người mang giáo pháp ‘Đại Pháp Ấn ‘ từ Ấn Độ qua Tây Tạng. Một trong những học trò giỏi nhất của Milarepa là Gampopa(3) mà câu chuyện sau đây kể về ông. 

    Gampopa là một y sĩ và đã là một Lạt-ma thông thái. Một ngày kia, ông bỗng thấy linh ảnh của một vị Tăng sĩ màu xanh, tóc tai rối bù. Trong ảnh đó, vị Tăng sĩ nhìn ông cười, mắt sáng long lanh và nhổ nước bọt vào mặt ông.

    Không bao lâu sau đó, Gampopa bắt đầu du phương, đó là một điều mà các vị Lạt-ma thỉnh thoảng vẫn làm. Trên đường đi, ông bị lạc vào một vùng hẻo lánh của Hi-mã-lạp sơn và quả nhiên gặp một người có da màu xanh, trông rất ốm yếu.

    Gampopa đi từ từ đến vị Tăng sĩ ở trần, chắp tay chào hỏi, đó là người đầu tiên ông gặp sau mấy ngày đi lạc.

    Milarepa nhếch mép cười khi thấy Gampopa ngần ngừ bước vào. Không nói gì cả, Milarepa đưa cho Gampopa một cái sọ người đựng đầy tràn một loại bia và yêu cầu Gampopa uống hết, theo cách của Mật giáo bày tỏ phép tâm truyền tâm giữa thầy và trò. 

    Gampopa từ chối không uống, ông không thể uống rượu vì giới luật không cho phép

    Milarepa cười lớn, giống như trong linh ảnh đã hiện, và nói ngay rằng, theo học một vị Phật đang hiện tiền tốt hơn bám giữ vào một giới luật. Ngay tại chỗ, Gampopa uống cạn một hơi. Sau đó Gampopa nhìn vào mắt Milarepa và nhận ra rằng, linh ảnh đã biến thành sự thật: vị Tăng sĩ giác ngộ này xem như đã nhổ vào mặt ông và đã trao truyền năng lực cho kẻ thông thái nhưng chưa thực sự thức tỉnh đó. 

    Cũng trong phút đó, Mirarepa biết đã tìm ra truyền nhân của mình.

    Sau đó, Gampopa ở lại với thầy mình nhiều năm, tu tập thiền định và nghe giảng pháp. Một ngày kia, Milarepa cho hay Gampopa đã chín, đã tới lúc rời thầy ra đi. Tới ngày từ giã thầy và xa thầy mãi mãi, Gampopa quì dưới chân Milarepa, để cho vị đạo sư để hai chân lên đầu mình và nhận một luồng chân khí, nhờ đó Gampopa đạt được tâm thức Đại viên cảnh trí của Phật.

    Sau buổi lễ này, Gampopa xin thầy cho một lời nhắn nhủ cuối cùng. Milarepa nhún vai và nói: “Ngồi thiền thì ngươi còn phải ngồi nhiều và thường xuyên, còn học thì tuyệt đối không còn gì để học nữa”.

    Sau đó, Milarepa không nói gì nữa. Gampopa xuống núi, vừa đi qua khởi một con suối thì nghe phía sau Milarepa kêu réo: “Ta còn một lời dạy cuối cùng”, tiếng kêu lẫn trong tiếng suối reo. “Và lời này thật sự là bí mật và thâm sâu, riêng giành chỉ dạy cho những bậc xuất sắc nhất trong giới thượng căn”.

    Gampopa yên lặng nín thở, tim đập thình thình. Milarepa quay lưng lại, vén váy lên và cho Gampopa thấy mông đít đã đóng thành sẹo sau nhiều năm ngồi trên đá. “Lời dạy cuối cùng của ta đây hãy nhớ”, Milarepa kêu to. 

  • Tác giả : Surya Das
  • Dịch giả : Nguyễn Tường Bách

Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a15207/su-tu-tuyet-bom-xanh-the-snow-lion-s-turquoise-mane-surya-das-nguyen-tuong-bach-dich 

PHỤ CHÚ

1. Milarepa:Tên Tây Tạng có nghĩa “Mila người mặc áo vải khổ hạnh” (1052-1135). Một trong những thánh nhân nổi tiếng nhất của Tây Tạng. Ông là học trò của Marpa và bị thầy thử thách khắc nghiệt, cuối cùng ông được truyền giáo pháp Đại thủ ấn (Mahamudra) và Naro Chodrug. Ông sáng lập tông phái Kargyupa. Ngày nay Phật giáo Tây Tạng vẫn còn nhắc nhở về cuộc đời và các bài ca của ông. Milarepa sinh tại Tây Tạng, gần biên giới Nepal. Lúc ông lên bảy, cha mất, gia sản bị chiếm đoạt, gia đình ông bị đối xử tệ bạc. Nhằm trả thù, ông học phép tà và trong một lần dùng phép, ông giết hại nhiều người. Ăn năn, ông tìm gặp đạo sư của tông Nyingmapa là Rongton, nhưng vị này khuyên ông nên gặp Marpa. Ông trở thành đệ tử của Marpa năm 38 tuổi, nhưng suốt sáu năm ông chỉ được xem là kẻ hầu, và Marpa thử thách khắc nghiệt khiến ông kiệt sức và gần muốn tự sát. Nhờ vậy ác nghiệp được trả xong. Marpa bắt đầu cho ông học pháp bằng cách sống viễn ly cô tịch, truyền giáo pháp Naropa và đặc biệt dạy phép nội nhiệt. Chỉ khoác một chiếc áo mỏng manh, Milarepa sống nhiều năm trong cái lạnh của Himalaya, chỉ chuyên tâm thiền định trong hang động. Sau chín năm độc ẩn, ông bắt đầu nhận học trò, trong đó có y sĩ Gampopa là người quan trọng nhất. Ông mang giáo pháp cho đời bằng các bài ca bất hủ.

2. Marpa (1012-1097): Đạo sư nổi tiếng của Nam Tây Tạng. Ông đi Ấn Độ và mang về giáo pháp Đại thủ ấn, Naro Chodrug. Marpa là thầy của Milarepa và đóng vai trò quan trọng nhất trong tông phái Kargyupa. Ông là người tu hành nhưng vẫn tham gia công việc thế tục một cách hài hòa. Thời trẻ, Marpa học tiếng Sanskrit, sau đó ông đổi toàn bộ sản nghiệp lấy vàng để du hành truân chuyên sang Ấn Độ. Tại đó, ông gặp Naropa, là người giáo hóa ông suốt 16 năm. Trở về Tây Tạng, ông phiên dịch kinh sách, sống cuộc đời nông dân, lập gia đình với Dagmema và có nhiều con. Sau đó trên đường tìm đạo, ông lại đi Ấn Độ một lần nữa. Về lại Tây Tạng, ông nhận Milarepa làm học trò. Sau khi đã thử thách khắc nghiệt ông mới chịu truyền bí pháp cho Milarepa. Khi tuổi đã cao, ông di Ấn Độ lần thứ ba vì một bí pháp khác. Tại đó ông gặp Atisha và gặp Naropa lần cuồi. Marpa thực hiện phép yoga giấc mộng và tiên tri việc thành lập tông Kargyupa.

3. Gampopa (1079-1153): Một trong những cao tăng Mật tông quan trọng của dòng Kagyupa tại Tây Tạng. Năm 26 tuổi sau khi vợ mất, ông trở thành tăng sĩ và theo giáo pháp của phái Kadampa. Trong quá trình tu học, ông được gặp Milarepa, một vị cao tăng đắc đạo, và được Milarepa truyền cho Đại Thủ Ấn. Sau Milarepa mất, ông thành lập tông Kagyupa. Ông là tác giả của “Lamrim” (báu vật giải thoát), đã hợp nhất hai trường phái Kagyupa và Kadampa, “như hai dòng nước hòa vào nhau”.

*