*
Hình
chụp BÚT TÍCH (trang 2) bài thơ "NỬA VẦNG TRĂNG ĐÊM NAY"
Tác Giả chép tặng (1995)
*
*
Cuối năm 1988, khi tin hai vị tu sĩ Phật giáo Trí Siêu (Lê Mạnh
Thát) và Tuệ Sỹ bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam kêu án tử hình truyền ra hải
ngoại, nhiều người mới tò mò tìm đọc những gì hai vị này đã viết. Họ tìm thấy
những bài khảo cứu văn sử học của Lê Mạnh Thát, và những tùy bút đầy chất thơ
phiêu bồng của Tuệ Sỹ.
Rất nhiều người đã ngạc nhiên. Dường như không
có gì gần gũi giữa những bài khảo cứu khô khan, những bài thơ “viễn mộng” với những hoạt động chính trị nhằm lật đổ một chế độ
chuyên chế, chưa nói tới những hoạt động nguy hiểm đến độ chính quyền phải lập
tòa án đặc biệt và kêu án tử hình.
Hồi đó, báo chí đã cho đăng tải một số thơ cũ và mới của Tuệ Sỹ.
Tuệ Sĩ là bậc danh sĩ cao tăng, đã trọng nhiệm nhiều chức vụ trong hàng giáo phẩm Việt Nam. Trong và ngoài nước nhiều người biết danh và ái mộ, qua những trầm luân mà ông chịu đựng non nửa thế kỷ, chúng tôi không nhắc lại nơi đây, vì ai muốn truy tìm thì rất dễ.
TUỆ SỸ, TÙ ĐÀY VÀ QUÊ NHÀ
Trong các nhà tu hành trẻ tuổi hồi thập niên ’70, khuôn mặt của Tuệ Sỹ, vóc dáng của một hiền giả, nhìn vào, nói tới, là nhìn vào, nói tới một tinh thần, một phong cách xán lạn. Hồi ấy, ảnh hưởng truyện kiếm hiệp Kim Dung còn mạnh, Võ Lâm Ngũ Bá từ Anh Hùng Xạ Điêu thấy xuất hiện ngoài đời. Những phụ nữ tác xác được gọi là Kim Bà Bà, ghen tuông lườm nguýt thành Triệu Minh, Chu Chỉ Nhược, đào hoa vợ nọ con kia thành Đoàn Chính Thuần. Ngốc Tử gặp may thành Đoàn Dự. Hèn hạ nịnh nọt len vào chốn cao sang thành Vi Tiểu Bảo. Năm vị anh hùng trấn võ lâm, đem vào gia phả Vạn Hạnh, có Trung Thần Thông Vương Trùng Dương Thượng Tọa Minh Châu, Viện trưởng; Bắc Cái Hồng Thất Công Bùi Giáng; Nam Đế Ngô Trọng Anh; Tây Độc Phạm Công Thiện, và Đông Tà Tuệ Sỹ.