Thích Nguyên Siêu
“Ôi nỗi buồn từ ngày ta lạc bước,
Cố quên mình là thân phận thần tiên”
(Giấc Mơ Trường Sơn 57- An Tiêm 2002)
Đúng! Tuệ Sĩ người đã lạc bước, nên bốn mươi năm qua đã phải sống với cỏ cây, sương mù, vạt nắng… với rừng xanh, cốc lặng thâm u, để nuôi dưỡng một thân người gầy còm như Khô Mộc Thiền Sư, trên đỉnh Trường Sơn gió hú. Lạc bước để ru đời mình qua cơn mộng kinh hoàng của quê hương. Qua nỗi đọa đày, lầm than của dân tộc. Vì lạc bước vào một thảm cảnh điêu tàn đã làm xốc dậy nỗi đau chung của loài người. Nỗi oán hờn của cỏ cây, sỏi đá, của kiếp người cuốn theo bụi mờ của thời gian tăm tối.
Mang thân phận người mà chia sẻ những cảm nghĩ, suy tư chẳng ai thấu hiểu, nhìn nhận, vì đã bị lạc điệu. Con người ở nơi đó đã choáng ngợp ánh đèn tham vọng. Con đường tham nhũng để dẫn tới cảnh bán nước cầu vinh. Nhóm người vong thân, lạc hướng của thời đại điêu tàn hoang dã của thời tiền sử. Vì lạc bước nên không cùng chung ý thức sống. Ý thức của ý thức. Người thật người. Người của lương tri. Người của người. Người của tất cả, cỏ dại mây ngàn, biển xanh, núi thẳm… Vì lạc bước nên ở đó cảm thấy mình cô độc giữa xã hội người mà chẳng ai cảm thông, chia sẻ, nỗi niềm, ước vọng để đồng hành trên con đường phụng sự tha nhân, làm lợi đạo ích đời. Khi mình còn hiện hữu. Có tâm lý nào của loài người khi có được viên ngọc quý trong tay mà quăng nó vào xó nhà, vứt nó vào xọt rác. Tâm lý này có thể có ở những kẻ sống xa thế giới người, không biết cái quý của viên ngọc. Hay đúng hơn như loài vượn, loài khỉ. Cho nó ăn chuối, cầm lấy ăn liền, nhưng đưa nó viên ngọc, nó nhìn qua nhìn lại rồi ném đi chẳng hối tiếc. Vượn khỉ chẳng suy tư nghĩ ngợi gì giá trị hiếm có của viên ngọc, nên dưới mắt của vượn khỉ viên ngọc không quý bằng trái chuối.
Trong mọi thời gian, dù rằng xa xưa ở quá khứ, loài người mới xây dựng một đời sống xã hội thấp, lao tác bằng tay chân, ít sử dụng việc làm bằng đầu óc. Nhưng những ai có được cái đầu, cho những dòng tư tưởng tuôn chảy, cho tri thức hiện hữu qua sự sinh hoạt thường nhật, thì người có cái đầu vẫn hơn, vẫn được trọng dụng để khai phá, phát triển những việc cần khai phá, cần phát triển. Có được như vậy, thì loài người mới tiến bộ thăng hoa đời sống thánh thiện, nâng cao trình độ tri thức xã hội. Bằng không xã hội người đó sẽ không bắt kịp với những nền văn minh tiến bộ khác.
Đã lỡ lạc bước rồi, thôi thì hãy cố quên mình là thân phận thần tiên đi, mà phải vào rừng ăn trái cây, uống nước suối, cùng lũ khỉ vượn chuyền cành cho qua ngày tháng, theo dòng thời gian:
“Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn,
Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về.”
(Giấc Mơ Trường Sơn - An Tiêm 2002)
Có người ngược xuôi để tìm cầu, tranh giành quyền uy tước cả, dù có đi bằng cái đầu xuống dưới đất, họ vẫn làm để được những tham vọng bất lương, những tiền bạc bất nghĩa, quyền cao lộc cả dù phải bán nước cho ngoại bang, những mong tiền bạc đầy túi, vàng ngọc đầy nhà, để lót, để nạm bàn ghế ngồi chơi hưởng thụ trên xương máu của dân đen. Nhưng nơi đây có người “ngược xuôi” mà chỉ có để “nhớ nửa cung đàn” chưa được trọn “cung đàn”. Đơn giản quá! Tri túc quá! Biết đủ như là một thân người có chiều cao 1.59 m và cân nặng 39.5 kg. Có mấy ai được cái ngược xuôi đó? Hay chỉ có kẻ đứng ngoài vòng danh lợi, ngoài cái thị phi, nhân ngã, tầm thường của thế nhân.
Nửa cung đàn ấy như là tiếng ngân dài của cung đàn rồi chợt dứt. Như
dòng lịch sử của quê hương dân tộc rớt tỏm xuống hố sâu, tối
tăm, mịt mờ, tuyệt vọng qua chặng đường lịch sử hôm nay.
Đời sống như là quán trọ, con người đến rồi đi. Sanh rồi tử,
muôn trùng, thăm thẳm, vô biên, vô tận. Con người đắm
chìm trong cái quán trọ đó mà sinh ra đủ thứ chuyện để làm ngăn nẻo về của
những bước chân phương trời viễn mộng. Vậy thì, bị ngăn nẻo về, không về
được nên quay lại để sống với mình. Đóng cửa phòng, không tiếp
xúc với thế giới bên ngoài, nhịn đói, tuyệt thực. Ngày chỉ
uống nước chanh pha đường. Có lúc xỉu trên bàn vì đói. Còn lở dở mấy câu thơ:
“Ta cưỡi kiến đi tìm tiên động
Cõi trường sinh đàn bướm dật dờ
Cóc và nhái lang thang tìm sống
Trong hang sâu con rắn nằm mơ”.
(Giấc Mơ Trường Sơn - An Tiêm, tr. 68, 2002)
Bị ngăn nẻo về nên cưỡi kiến đi tìm tiên động, để tu tiên thành tiên
ông. Sống nơi cõi trường sinh bất tử đó, mà vui với bướm ong,
cóc nhái, rắn rít trong hang sâu nằm mơ phương trời mộng. Sống thực
không được thì sống mộng mơ. Sống cho chính mình. Sống cho qua một
giấc chiêm bao tưởng chừng như đã:
“Đêm qua chiêm bao ta thấy máu
Từ sông ngân đổ xuống cõi người
Bà mẹ xoi tim con thành lỗ
Móc bên trong hạt ngọc sáng ngời”
(Giấc Mơ Trường Sơn - An Tiêm, tr. 67, 2002)
Có bà mẹ nào xoi tim con thành lỗ để móc bên trong hạt ngọc sáng
ngời? Chỉ có bà mẹ điên thời đại mới làm như vậy. Bà mẹ điên ấy chỉ
biết vàng và ngọc mà không có tình yêu thiêng liêng sinh con và
thương con. Bà mẹ điên thời đại đã đẩy đàn con mình lang thang bươi
rác rưởi để sinh nhai. Tìm sống trên những vỉa hè cùng khốn. Thất
học, mù chữ, đói nghèo… Còn bà mẹ thì ngất ngưỡng hưởng thụ ngọc ngà, vòng
bạc từ máu của người dân, mà qua đêm chiêm bao “ta thấy máu”. Máu
nhuộm đỏ con người. Máu tuôn chảy như sông. Máu lan tràn cả nước. Rồi có
những đêm ngồi bên cửa sổ, ngắm ngọn nến tàn qua khung cửa sổ để sống mộng,
sống mơ y như sống thực.
“Bên cửa sổ bên kia đồi sao mọc
Một lần đi là vĩnh viễn con tàu.”
(Giấc Mơ Trường Sơn - An Tiêm, tr. 12, 2002)
Đi đâu bây giờ, vì ai đó đã ngăn nẻo về thì có lối đâu mà về. Có đường đâu mà
đi và có quán trọ nào để tới. Nẻo về không. Quán trọ cũng không. Chỉ chôn mình
bên chồng sách cũ với bốn vách tường rong rêu mà gõ nhịp. Vì sống mộng nên
tránh xa cõi người, vào hang động núi rừng để cuốc đất sinh
nhai. Trồng bí bầu, khoai lang, mướp đắng, rau quả, tía tô, xà lách… để đêm đêm
nằm nghe tiếng dế nỉ non, côn trùng hát ca bài ca dân tộc.
“Người đi đâu bóng hình mòn mỏi
Nẻo tới lui còn dấu nhạt mờ
Đường lịch sử
Bốn nghìn năm dợn sóng
Để người đi không hẹn bến bờ.”
(Giấc Mơ Trường Sơn - An Tiêm, tr. 85, 2002)
Sống với người bị ngăn nẻo về. Sống thực đã thành mộng và sống mộng để
thấy hiện thực, một sự sống vì đời mà tranh đua. Tranh đua,
giành giật cả ngày lẫn đêm trên mặt đất hay dưới lòng đất lắng nghe từ sự tan
vỡ hãi hùng, giết chết sự sống của sức người lao tác.
“Ta biết mi bọ rùa
Gặm nhắm tàn dãy bí
Ta vì đời ganh đua
Khổ nhọc mòn tâm trí.
Ta biết mi là dế
Cắn đứt chân lá non
Ta vì đời nô lệ
Nên phong kín nỗi hờn
Ta biết mi là giun
Chui dưới lòng đất thẳm
Ta vì đời thiệt hơn
Đêm nằm mơ tóc trắng”
(Giấc Mơ Trường Sơn - An Tiêm, tr. 31, 2002)
Nổi trôi theo năm tháng, thân hình gầy còm như cọng lau, giữa rừng
núi Bảo Lộc, trong đêm trường u tịch, có lúc chẳng thèm thở nữa, nằm
giữa núi rừng, dân làng mang về tiếp hơi để thở. Đây là mộng hay thực,
là đời sống văn minh thế giới loài người hay đời
sống của loài dã thú nơi chốn núi sâu, rừng hiểm?
Có ai một lần nghĩ tới “Tiên ông” để thấy viên ngọc quý của giống nòi
nước non, mà thắp nén hương lòng khấn nguyện, giữ gìn nghìn năm sau
không hề phai. Núi rừng Bảo Lộc như cúi đầu thầm lặng để lắng nghe
“Tiên ông” cưỡi kiến đi cùng khắp nẻo vô sinh. Lão tử cưỡi trâu
thành bất tử. “Tiên ông” cưỡi kiến để cùng sinh
tử với chúng sinh.
San Diego, Mạnh Đông, 05 tháng 01 năm 2017
Thích Nguyên Siêu
(Chánh Pháp số 63)
*